Cửa nhà với điều kiêng ky

Theo phong thủy, một số kiêng kỵ với cửa cổng trong nhà sẽ giúp bạn tránh được những xui xẻo không đáng có và mang lại tài vận cho gia đình mình.

Cửa trước và sau tránh đối diện

Cửa trước và cửa sau nếu đặt đối diện nhau thì sinh khí trong nhà sau khi đi vào từ cửa trước, sẽ thoát hết ra cửa sau. Mặt khác tuy gió thông mát mẻ nhưng rất nguy hiểm, rất dễ gây “phản gió” làm tổn hại đến sức khỏe.

Một ngôi nhà tụ khí, đường lối đi ngoắt ngoéo sẽ tạo ra sự ấm áp và là “giai khí” (khí tốt lành, may mắn). Nó có tác dụng dưỡng thần, dưỡng khí và tăng vận may, thịnh vượng.

Nếu ngôi nhà có cửa sau thì cửa này phải đặt so le với cửa trước để khí lưu thông trong nhà từ trước ra sau dích dắc theo hình chữ “S”, như vậy khí sẽ tụ lâu trong nhà.

Cửa nhà vệ sinh không được đối diện với cửa lớn vào nhà

Cửa chính là nơi sinh khí của trời đất vào, và sinh khí ấy phải lưu động trong lòng nhà mà không nên xộc vào nhà vệ sinh. Nếu cửa nhà vệ sinh đối diện với cửa chính, thì sinh khí khi đi vào sẽ xộc thẳng vào nơi khí uế, âm khí nặng nề.

Cửa bếp và phòng chứa đồ tránh đối diện với phòng ngủ


Phòng ngủ là nơi nghỉ ngơi, phải luôn tạo cảm giác hài hoà, yên tĩnh, an toàn, không bị phiền nhiều bởi nước, lửa. Bếp là nơi thường ngày dùng lửa, có khói, khi nấu nướng sẽ ảnh hưởng đến không khí phòng ngủ.

Nước, lửa trong căn bếp cũng tiềm ẩn mối nguy hiểm, đặc biệt là khả năng xảy ra sự cố rò rỉ khí ga và cả khí than bếp. Bởi vậy, cửa bếp và phòng ngủ phải so le và cách nhau tương đối xa.

Cửa phòng chứa đồ cũng vậy. Phòng này là nơi chứa mọi tạp chất. Khi mở cửa, hơi ẩm mốc đủ loại xộc ra, sẽ tràn thẳng vào cửa phòng ngủ, đó là điều tối kỵ.

Cửa bếp và cửa nhà vệ sinh tránh đối diện nhau

Bếp là nơi đun nấu, chế biến đồ ăn thức uống, còn phòng vệ sinh là nơi nuôi dưỡng vi khuẩn và không khí bẩn, nếu cửa đối diện nhau sẽ ảnh hưởng tới vệ sinh, tổn hại sức khỏe.

Cửa phòng ngủ và cửa chính không nên đối diện

Phòng ngủ là nơi nghỉ ngơi, thư giãn, cần yên tĩnh, kín đáo, còn cửa chính là nơi người nhà, khách khứa thường xuyên ra vào, sẽ ảnh hưởng tới sự yên tĩnh cần thiết. Vì vậy, cửa chính không nên đặt đối diện với cửa buồng ngủ vì nó sẽ dễ ảnh hưởng tới sức khỏe.

Cửa gian bếp không đối diện với cửa chính

Gian bếp là nơi tượng trưng cho sự giàu có của một gia đình. Vì vậy, nếu của bếp đối diện với cửa chính thì tài khí sẽ lọt hết ra ngoài.

 
(Theo Xzone) 

Hướng cổng tốt theo phong thủy

Nơi ở phải có hướng cổng tốt để đón khí thịnh đi vào nhà, tránh những nơi có các luồng khí xấu xâm nhập vào không gian sống.


Nhà có đường đi xung quanh là Ngoại Lộ, đường đi bên trong là Nội Lộ. Lộ bên ngoài muốn vào trong phải có cửa đi vào - Môn Lộ. Theo phong thủy, các ngôi nhà đều nên có Môn Lộ.
 
Nhà ở có hướng cổng tốt sẽ đón được khí tốt vào nhà.


Để đón khí tốt, tránh khí xấu, gia chủ cần chú ý đến yếu tố Cát - Hung của Môn Lộ. Chủ nhà cần phải có Môn Lộ đúng hướng. Những nơi có diện tích rộng nên tính toán làm tường bao quanh nhà ở để bảo vệ luồng khí tốt, loại trừ khí xấu, ngăn cản không cho sự hung sát vào nhà. Theo đó, tìm được hướng tốt cho cổng thì sẽ nhận được phúc và tránh được họa.
 
Sơ đồ bố trí cổng tốt phù hợp nhà - chủ nhà và thế đất trên tổng thể khu đất.

Dưới đây 24 hướng cổng tốt theo phong thủy học:

1. Nhà hướng Tý: cổng vào trong các hướng Tý, Dậu, Mão, Tân, Sửu.

2. Nhà hướng Quý: cổng vào trong các hướng Quý, Ất, Tân, Càng, Cấn.

3. Nhà hướng Sửu: cổng vào trong các hướng Sửu, Tuất, Thìn, Tị, Hợi.

4. Nhà hướng Cấn: cổng vào trong các hướng Cấn, Càn, Tốn, Nhâm, Tuất.

5. Nhà hướng Dần: cổng vào trong các hướng Dần, Hợi, Tý, Tị, Mão.

6. Nhà hướng Giáp: cổng vào trong các hướng Giáp, Nhâm, Bính, Quý, Ất.

7. Nhà hướng Mão: cổng vào trong các hướng Mão, Tí, Ngọ, Sửu, Thìn.

8. Nhà hướng Ất: cổng vào trong các hướng Ất, Quý, Cấn, Đinh, Tốn.

9. Nhà hướng Thìn: cổng vào trong các hướng Thìn, Sửu, Mùi, Dần, Tị.

10. Nhà hướng Tốn: cổng vào trong các hướng Tốn, Cấn, Khôn, Thân, Bính.

11. Nhà hướng Tỵ: cổng vào trong các hướng Tỵ, Dần, Thân, Dậu, Tý.

12. Nhà hướng Bính: cổng vào trong các hướng Bính, Giáp, Ất, Canh, Tỵ.

13. Nhà hướng Ngọ: cổng vào trong các hướng Mão, Thìn, Ngọ, Dậu, Bính.

14. Nhà hướng Đinh: cổng vào trong các hướng Ất, Bính, Đinh, Tân, Tốn.

15. Nhà hướng Mùi: cổng vào trong các hướng Mùi, Tị, Thìn, Tuất.

16. Nhà hướng Khôn: cổng vào trong các hướng Khôn, Tốn, Càn, Bính, Canh.

17. Nhà hướng Thân: cổng vào trong các hướng Thân, Tị, Hợi, Ngọ, Dậu.

18. Nhà hướng Canh: cổng vào trong các hướng Canh, Bính, Đinh, Nhâm, Tốn.

19. Nhà hướng Dậu: cổng vào trong các hướng Dậu, Ngọ, Đinh, Mùi, Canh.

20. Nhà hướng Tân: cổng vào trong các hướng Canh, Tân, Quý, Dậu.

21. Nhà hướng Tuất: cổng vào trong các hướng Sửu, Mùi, Tuất, Hợi, Thân.

22. Nhà hướng Càn: cổng vào trong các hướng Càn, Khôn, Cấn, Canh, Nhâm.

23. Nhà hướng Hợi: cổng vào trong các hướng Hợi, Thân, Dần, Dậu, Càn.

24. Nhà hướng Nhâm: cổng vào trong các hướng Nhâm, Giáp, Canh, Tân, Quý.

Nguyên tắc tính cổng tốt cho một ngôi nhà như sau:

1. Tại cung hướng của ngôi nhà có thể dùng làm Môn Lộ của ngôi nhà.

2. Từ cung tọa của ngôi nhà tính về 2 bên trái, phải mỗi bên 7 cung, tại 2 cung dừng lại cũng có thể dùng làm Môn Lộ cho ngôi nhà.

3. Từ cung hướng của ngôi nhà tính về bên phải 3 cung, tính về bên trái 5 cung, tại 2 cung dừng lại đó cũng có thể dùng làm Môn Lộ cho ngôi nhà.

Khi tính toán xây cổng cho ngôi nhà, gia chủ cũng phải dựa vào mệnh quái của chủ nhà mà xem xét để lấy hướng cổng vào cho phù hợp, tốt nhất là được hướng cổng sinh cho trạch, trạch sinh cho mệnh quái của chủ nhà.

KTS Vũ Quang Định
Công ty CP Kiến trúc ASPACE
(Theo VnExpress) 

Lợi ích phong thủy

Phong Thủy là một quy luật hình thành và phát triển của Vũ Trụ, không phải chỉ đơn giản là xử lý vài chi tiết về nội thất trong nhà. Tất cả các chi tiết từ Bát Trạch, Loan Đầu đến Huyền Không Phi Tinh đều phải hội tụ đầy đủ thì mới có kết quả mỹ mãn được.

Phong Thủy tuy là một bộ môn đã phát triển từ lâu ở các nước tiên tiến trên thế giới như: Hong Kong, Trung Quốc, Singapor, Hàn Quốc, Đài Loan, Mỹ, Nhật... Nhưng ở Việt Nam thì môn khoa học này chỉ mới bắt đầu được người dân biết đến và chấp nhận trong vài năm gần đây. Đại đa số người dân chỉ biết đến Phong Thủy trong phạm vi tuổi xây dựng nhà, hướng nhà hay hướng bài trí nội ngoại thất. Thực ra, việc chọn hướng nhà hay bài trí một vài chi tiết như bếp hay ban thờ,... chỉ là điều kiện cần thiết đầu tiên chứ chưa đầy đủ.
 
Phong Thủy là một quy luật hình thành và phát triển của Vũ Trụ, không phải chỉ đơn giản là xử lý vài chi tiết nhỏ nhặt như vậy. Tất cả các chi tiết từ Bát Trạch, Loan Đầu đến Huyền Không Phi Tinh đều phải hội tụ đầy đủ thì mới có kết quả mỹ mãn được.

Nếu như hướng bếp hợp với tuổi của gia chủ nhưng lại đối diện với phòng vệ sinh thì chắc chắc những thành viên trong gia đình sẽ hay đau ốm, bệnh tật. Nếu như hướng bếp đúng nhưng lại đối diện với phòng ngủ thì cái đúng của hướng bếp này cũng vô nghĩa. Hoặc là hướng bếp đối diện với sàn nước thì cùng mang đến những thất bại trong công việc làm ăn.

Đại đa số người dân, thậm chí là một số người có học qua một chút về phong thủy đều chưa thể nắm được hết các nguyên lý về Phong Thủy nên rất dễ xảy ra những sai lầm bởi một ngôi nhà đẹp về kiến trúc chưa chắc đã tốt về phong thủy. Ví dụ như: Khi tính hướng bếp thì đa số các trường hợp đều lấy tuổi của gia chủ để tính hướng bếp mà hoàn toàn không tinh theo hướng nhà (hay nói chính xác hơn là cửa nhà). Hay như trường hợp cơ bản nhất là nhà vệ sinh nằm dưới gầm cầu thang, và bồn nước nằm trên nóc nhà vệ sinh. Đây là những sai lầm vô cùng cơ bản và rất nghiêm trọng. Những người này chưa hiểu được thế nào là:

"Đới khứ nhị hào hô
Nhập trạch vi tam tướng
Khí khẩu phân vi sơ."

Khi đã nắm vững những nguyên lý của Bát Trạch thì mới có thể tính đến sự kết hợp với Loan Đầu và Huyền Không Phi Tinh được.

Có rất nhiều người tự xưng là chuyên gia phong thủy, nhưng thực sự không hiểu biết về phong thủy, chỉ biết bày ra cúng bái thì đó chỉ là thầy cúng chớ không phải thầy phong thủy hay chuyên gia phong thủy. Đó chỉ là mê tín chứ không phải khoa học.

Chuyên gia phong thủy Văn Thiên Thanh

Nhà cho người mệnh Thổ

Người mệnh thổ hợp với các màu đỏ, vàng và các đồ dùng bằng gốm sứ hay đá. Căn cứ theo các đặc tính của thổ để trang trí nhà ở đúng cách sẽ giúp những người thuộc mệnh này gặp hanh thông trong cuộc sống.

Trong mối quan hệ ngũ hành và màu sắc, Thổ có màu vàng. Theo nguyên lý tương sinh, màu sắc có lợi nhất cho người mệnh Thổ là màu đỏ và các màu phái sinh của nó như tím và hồng.

Những người mệnh Thổ nên lựa chọn các màu này làm gam màu chủ đạo trong nhà để tạo ra một môi trường sống có lợi cho mệnh của mình. Về lâu dài, cuộc sống và sự nghiệp người mệnh Thổ sẽ thuận lợi.
 
Màu đỏ là màu có lợi nhất cho người mệnh Thổ.


Mặt khác bạn cũng có thể sử dụng màu của hành thổ là vàng hay các màu phái sinh của nó là vàng nhạt, vàng cam cho các vật dụng trong nhà. Điều này cũng hỗ trợ tốt cho người mệnh Thổ.



Ngoài ra, do Thổ sinh Kim, người mệnh Thổ có thể sử dụng màu trắng, nhưng chỉ nên với số lượng vừa phải. Do Mộc khắc Thổ, màu kỵ nhất đối với người mệnh Thổ là xanh lá cây, màu phái sinh xanh lam và màu gỗ. Bởi vậy người mệnh Thổ không nên sử dụng những màu này để trang trí nhà.
 
Người mệnh thổ có thể dụng màu trắng.

Nhưng lại kị màu xanh.


Người mệnh Thổ nên sử dụng các đồ vật có nguồn gốc từ đất, điển hình nhất là chất liệu gốm sứ. Hiện nay đồ gốm sứ ngày càng phong phú, tiện dụng, tinh tế như các loại đồ đựng, bình cắm hoa và nhiều đồ trang trí khác.

Ngoài ra, các loại đá, đặc biệt là đá cẩm thạch cũng là những đồ dùng thuộc thổ, sẽ có tác dụng hỗ trợ cho người mệnh này. Bạn có thể sử dụng chúng để lát bề mặt tủ, bàn ăn, bàn uống nước...
 
Chất liệu đá cũng tốt cho người mệnh Thổ.

Những đồ dùng bằng gỗ có thể gây ra tổn hại cho người mệnh Thổ, vì vậy nên hạn chế hoặc tránh sử dụng.

Do Thổ sinh Kim, người mệnh Thổ có thể sử dụng các vật dụng kim loại, vừa thời thượng, lại thuận tiện và dễ sử dụng. Trên thị trường, các đồ dùng văn phòng, tủ quần áo, tủ bếp bằng kim loại ngày càng trở nên phổ biến, mang lại cho người dùng nhiều sự lựa chọn. Tuy nhiên, người mệnh Thổ chỉ nên dùng với số lượng vừa phải.
 
Người mệnh Thổ có thể sử dụng các vật dụng bằng kim loại

Loài động vật đại diện cho mệnh thổ là loài chó, người mệnh Thổ nên trang trí hình con vật này trong nhà.

Những người mệnh Thổ nên trồng 5 hoặc 10 chậu cây trong nhà, các loại cây nên trồng là hàm tiếu, mễ lan, quế hoa, lục thảo trổ, cây vạn tuế, dứa dại.
 
(Theo Xzone) 

Hồ bơi và phong thủy

Một số điều cần chú ý khi xây dựng hồ bơi cho hợp phong thủy và kích hoạt được vận may tiền tài của mình.

Ngày nay, nhiều gia đình có điều kiện có thể xây bể bơi trong vườn để vui chơi, thư giãn. Xây hồ bơi đúng phong thủy sẽ hút vận may về tiền tài, ngược lại có thể mang tới năng lượng âm khổng lồ bất lợi cho gia chủ.

Một số điều cần chú ý khi xây dựng hồ bơi cho hợp phong thủy và kích hoạt được vận may tiền tài của mình.

1. Hình dáng

Dạng hồ tốt nhất là hình tròn, oval, bầu dục, uốn lượn bởi chúng không có bờ cạnh sắc nhọn để tạo thành mũi tên độc như một số hồ hình vuông. Một sự lựa chọn thích hợp khác là xây hồ hình bát giác.

Trong trường hợp hồ bơi hình vuông, các chuyên gia phong thủy ví kiểu hồ này với những đường thẳng và nhiều góc nhọn như các “mũi tên độc” hướng thẳng vào ngôi nhà. Điều này chắc chắn sẽ làm phương hại đến những người sống trong đó.


 
Hồ bơi hình oval được ưa chuộng cho các hồ bơi trong nhà.


Để khắc phục yếu tố có hại như thế, gia chủ hãy đặt những chậu cây xanh ở bốn góc hồ. Cành lá xum xuê, mềm mại của chậu cây kiểng sẽ làm mềm đi các góc nhọn của hồ.

2. Tỷ lệ

Hồ bơi là một ví dụ tiêu biểu của biểu tượng thuộc hành Thủy lớn, có thể mang đến rất nhiều vận may về của cải. Tuy nhiên, hồ bơi phải được xây dựng tương xứng với kích thước của ngôi nhà.

Nên xây hồ có kích cỡ tương xứng với ngôi nhà. Nếu quá to so với căn nhà, hồ có thể “làm chìm” nhà, truyền đến nguồn năng lượng xấu. Thay vì vậy, hãy xây hồ nhỏ hơn.
 


Theo bậc thầy phong thủy Lillian Too, nếu gia chủ có điều kiện xây dựng hồ bơi trong vườn, và đặt nó đúng vị trí an trụ của sao Thủy Tinh số 8, thì chắc chắn chủ nhà sẽ gặp nhiều may mắn về của cải.

Hồ bơi cũng có tác dụng tốt nếu nó có kích thước nhỏ hơn so với kích thước của ngôi nhà. Dù vậy, tùy theo hồ bơi có kích cỡ thế nào thì để tận dụng hết năng lượng của hồ bơi, bạn phải mở một lối thông giữa hồ bơi và nhà - một cửa ra vào hoặc cửa sổ chẳng hạn, để đón chào năng lượng Thủy đầy may mắn này.

3. Vị trí

Nên đặt hồ bơi trong khuôn viên vườn để cân bằng năng lượng âm của hồ và năng lượng dương từ chính ngôi nhà của gia chủ.
 


Hồ bơi nằm gần nhà sẽ giúp cho việc chăm sóc, vệ sinh hồ dễ dàng hơn. Tuy nhiên, nếu thiết kế chúng nằm quá sát ngôi nhà, năng lượng tỏa ra từ hai hồ bơi sẽ lấn át, triệt tiêu nguồn năng lượng dương. Khi các luồng khí âm và dương không cân bằng, sức khỏe của các thành viên trong gia đình sẽ bị ảnh hưởng. Tốt nhất, nên bố trí hồ bơi nằm cách nhà khoảng 3 km.

Một yếu tố cũng không kém phần quan trọng là phương vị của hồ bơi. Theo bát quái, hướng Nam đại diện cho năng lượng Hỏa. Để nguồn năng lượng này không bị tiêu hủy, bạn nên tránh đặt hồ bơi ở hướng này.
 


Trong khi đó, hướng Đông và Đông Nam lại thuộc hành Mộc, đây chính là hai hướng thích hợp nhất. Năng lượng âm của hồ nước sẽ được đặc tính Mộc ở nơi đây khống chế bớt.

Lưu ý khi thiết hế hồ bơi, tránh đặt hồ bơi trên sân thượng. Chúng được ví như hồ nước lớn, đè nặng lên những người sống bên trong ngôi nhà. Trong trường hợp ngôi nhà gia chủ đã thiết kế sẵn hồ bơi bên trong, nên phân cách hồ bơi bằng vách ngăn hoặc cửa đóng kín để hóa giải những luồng khí xấu.

4. Ngũ hành

Chọn gạch lát hồ có màu xanh nước biển là tốt nhất. Các khu resort rất chuộng màu gạch này.
 


Hồ nước nên hòa hợp với ngũ hành, như Kim (tay vịn, máy bơm, thiết bị điện), Mộc (cây xanh, hoa cảnh), Thổ (đá, xi-măng, vật liệu trang trí) và Hỏa (ánh sáng). Điều này sẽ giúp bảo đảm hồ được cân bằng và hài hòa với cảnh quan xung quanh.

Chính vì vậy, gia chủ nên chú ý nên gam màu của gạch lát hồ. Màu xanh nước biển là gam màu được nhiều người ưa chuộng nhất. Sắc màu này mang lại cảm giác tươi mát, trong trẻo cho nước hồ.

5. Năng lượng của bể nước động

Hồ bơi và các vật trang trí phải được cọ rửa thường xuyên, vừa nhằm bảo dưỡng hồ, vừa giữ cho nước hồ không bị tù túng.



Trong cuốn “Phong thủy để có cuộc sống hạnh phúc và an bình”, nữ phong thủy Lillian Too có đề cập tới điều này: Điều quan trọng là không bao giờ để hồ bơi trông giống như bể nước tù đọng.

Hồ bơi phải giống như một bể nước dương, tức là nước luôn chuyển động. Nếu có thể, hãy tạo hiệu quả sóng vỗ để nước có vẻ như đang chảy về phía nhà bạn. Thêm nữa, một suối nước nhỏ hoặc một thác nước nhỏ là biểu tượng thuộc hành Thủy phù hợp nhất.
 


Ngoài ra khi xây hồ hơi, cần thiết kế sao cho nước trong hồ như đang chảy hướng vào nhà. Không nên lùi ra xa ngôi nhà. Điều này có vẻ nhỏ nhặt nhưng rất quan trọng nếu gia chủ muốn kích hoạt vận may về tài sản.
(Theo Eva) 

Lựa chọn nội thất trong nhà bằng phong thủy

Lựa chọn vật liệu cho những đồ trang trí trong nhà cũng là một điều quan trọng trong phong thủy. Tác dụng của từng loại vật liệu ấy như thế nào? Những thông tin dưới đây sẽ cho bạn biết cụ thể về điều đó.

Đồ trang trí bằng vải

Đồ vải trang trí trong nhà bao gồm rèm, đệm ghế, đệm dựa, khăn, gối chăn, gối sofa… Trang trí ngôi nhà bằng vải mất ít tiền lại tiện lợi.

Tùy từng người mà việc trang trí bằng với chất liệu này có thể tạo ra phong cách riêng, tạo cho ngôi nhà có một cảm giác ấm áp hoặc tươi mát hoặc trang nhã… vừa mang tính thẩm mỹ vừa mang tính thực dụng cao.

Đồ mây


 
Đồ mây được làm một cách tinh tế, kiểu dáng đa dạng với phong cách độc đáo, được nhiều người ưa thích. Đồ mây gia dụng bao gồm ghế mây, bàn mây, giường mây, sô pha, bình phong mây… Đồ mây trang trí bao gồm lẵng mây, lẵng hoa, giá hoa mây và đèn lồng.

Nguyên liệu của đồ mây gia dụng và đồ mây trang trí đến từ tự nhiên nên luôn tạo cho con người cảm giác thư thái, yên bình.

Đồ sắt

Đồ sắt trang trí giản dị, chú trọng sự kết hợp của hiện đại và cổ điển. Đồ sắt trang trí trong nhà gồm có ghế, giá hoa, tủ giày, tủ để đồ, cửa phòng chống trộm, lan can cầu thang và móc treo...

Những đồ sắt trang trí mang tính thực dụng và cả tính nghệ thuật. Trong nhà nếu có nhiều góc khuyết, góc chết đều có thể trang trí bằng đồ sắt, tạo ra một không gian phong phú.

Đá



 
Hiện nay, có nhiều loại đá được bài trí trong nhà, đá trở thành đồ trang trí tinh tế và cao quý. Đá thiên nhiên thường gặp nhiều nhất là pha lê, mã não. Pha lê có nhiều màu sắc khác nhau như tím, hồng, trắng… vừa có thể làm đồ trang sức vừa có thể gia công thành đồ dùng như cốc chén, đĩa bát, cầu pha lê hoặc các đồ vật khác.

Hoa khô


Hoa khô ngày càng được nhiều người ưa thích. Các loại lá, cành, hoa, quả, cỏ… thông qua xử lý công nghiệp như tẩy nước, sấy khô, nhuộm màu và phun thơm… không những vừa giữ được hình thái tự nhiên của hoa tươi vừa mang dáng vẻ, màu sắc, hương thơm đặc biệt. Nếu dùng trang trí trong nhà sẽ mang lại phong cách mới mẻ, hiện đại.

Cây màu xanh




 
So với các đồ trang trí khác thì cây xanh mang lại nhiều sinh khí hơn cho ngôi nhà của bạn. Tuy nhiên, khi trang trí không gian bằng cây cảnh phải chú ý đến màu của các loại cây, hoa và nhiều yếu tố khác.
(Theo Xzone) 

Nhà hướng nam

Vợ hiền hoà nghĩa là vợ hiền lành và hoà thuận, sẽ giúp gia đình được êm ấm, hạnh phúc. Còn nhà hướng Nam là hướng tối ưu, vì đón nhận được nhiều ánh sáng, tránh nắng gắt, đồng thời đón nhận được gió mát, tránh gió lạnh. Đó là kinh nghiệm của người xưa về chọn vợ và chọn hướng nhà.

Có một dị bản khác là “lấy vợ đàn bà, làm nhà hướng Nam”, đã làm nhà thì phải là nhà hướng Nam, điều đó cũng hiển nhiên như việc lấy vợ phải là đàn bà. Dù “vợ đàn bà” hay “vợ hiền hoà” thì bản chất vẫn là “nữ tính”, có ngoại hình và những phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ như dịu dàng, duyên dáng, khéo léo, xinh đẹp, tình cảm, vị tha, tế nhị, kín đáo, tề gia nội trợ...
 
Do vị trí địa lý và đặc thù khí hậu của Việt Nam, nên hướng Nam là hướng thuận lợi nhất để xây nhà cửa.


“Lấy vợ hiền hoà” ai cũng mong muốn, vậy còn “làm nhà hướng Nam” là vì sao? Trước hết, do vị trí địa lý và đặc thù khí hậu của Việt Nam (nhiệt đới, nóng ẩm, gió mùa) nên đối với hầu hết vùng, miền, hướng Nam là hướng thuận lợi nhất để xây dựng nhà cửa: đón được đầy đủ ánh sáng và gió mát hơn hẳn các hướng khác. Đặc biệt, nhà xây hướng Nam sẽ tránh được ánh nắng chói phía Đông vào buổi sáng, buổi chiều không bị nắng chiếu gay gắt từ phía Tây, đồng thời tránh được gió nóng (gió Lào) từ phía Tây thổi tới và không bị ảnh hưởng bởi gió lạnh từ phương Bắc tràn về.

Trong khi đó, mùa Hè đón được những ngọn gió mát từ hướng Đông Nam và hướng Nam. Dân gian có câu: “Trăm người hầu không bằng đầu ngọn gió”, “Gió Nam chưa nằm đã ngáy”, “Nhà hướng Nam, không làm cũng có ăn”…, nói lên lợi điểm của nhà hướng Nam.

Từ thời nguyên thủy, con người đã biết tận dụng hướng Nam để được mát về mùa Hè, ấm về mùa Đông, tăng sức đề kháng của cơ thể, tránh sự xâm hại của tự nhiên đối với sức khỏe. Phần lớn hang động tại Hòa Bình có người ở đều quay về hướng Nam hoặc Đông Nam. Không một hang có người ở nào lại có cửa quay về hướng Bắc, bởi lẽ, gió mùa kèm theo giá rét từ phương Bắc có ảnh hưởng rất lớn đến sức khoẻ của con người (riêng các tỉnh, thành phía Nam, do thời tiết và nhiệt độ ít thay đổi nên làm nhà hướng Bắc không bị lạnh theo mùa).

Mặt khác, hướng Nam là hướng mặt trời lên cao, tượng trưng cho lửa, dương lực, mùa hạ, sự ấm áp…, cũng chính là hướng tượng trưng cho thời kỳ mạnh mẽ nhất của cuộc đời con người, phát huy khả năng, sức mạnh của bản thân mỗi người. Địa vị xã hội, tiền tài, năng lực lãnh đạo, trí tuệ, tài năng đều có liên quan đến hướng Nam. Theo Tiên thiên bát quái, phía Nam có tượng là quẻ Càn (trời, vua…), nên phía Nam được coi là hướng của bậc đế vương, còn theo Hậu thiên bát quái, hướng Nam có tượng là quẻ Ly, biểu tượng của lửa, ánh sáng. Do vậy, các bậc vua chúa thường toạ Bắc, hướng Nam để hướng về lẽ sáng mà xử lý công việc, cai trị thiên hạ; cung điện, thành quách được xây theo hướng này nhằm bảo vệ vị trí chí cao vô thượng.

Mặc dù lý luận phong thuỷ phái Bát trạch cho rằng, hướng Nam chỉ hợp với người mệnh Đông tứ, nhưng những người mệnh Tây tứ không nên bỏ qua. Với nhà hướng Nam nhưng không hợp mệnh chủ nhà, có thể dùng gương bát quái để hoá giải, đồng thời dùng các hình thức bài trí nội thất, đặc biệt là bếp và phòng ngủ để tạo sự tương tác tốt, dung hòa hướng xấu đó. Ngoài ra, có thể sử dụng các pháp khí phong thuỷ để kích hoạt khí trường của ngôi nhà, tạo cho ngôi nhà có một trạch vận tốt đẹp.
(Theo ĐTCK) 

Phong thủy bất lợi của căn hộ chung cư

Nhà chung cư hiện đã trở thành loại hình nhà ở phổ biến trong cuộc sống hiện đại. Bên cạnh việc quan tâm đến chất lượng, vị trí, ngày nay nhiều gia chủ đã biết quan tâm đến phong thủy. Dưới đây chúng tôi trích đăng những vấn đề phong thủy của căn hộ chung cư trong một buổi tọa đàm của Phong Thủy Gia Group để bạn đọc tham khảo.

Nhà chung cư có những lợi điểm như thuận tiện sinh hoạt, đi lại, có an ninh tốt, không gian xung quanh tốt, môi trường học tập vui chơi qui hoạch thuận tiện, giá cả hợp lý ... Nhưng bên cạnh đó cũng có một số bất tiện trong sinh hoạt như cầu thang máy trục trặc, chi phí sinh hoạt gửi xe cao...ngoài ra, căn hộ chung cư còn bất lợi một số vấn đề về phong thủy.

Khác với nhà riêng, do tính chất đặc thù khi xây: 1 chủ đầu tư nhưng xây cho nhiều người, diện tích thì đa số là nhỏ, và khó tách từng phòng chức năng riêng biệt, và tận dụng diện tích tối đa...nên căn hộ chung cư hầu như không tránh khỏi những phạm kị về phương diện phong thủy. Những trường hợp phạm kỵ phổ biến nhất thường là:

1, Vì phương vị và hướng của căn hộ chung cư chịu ảnh hưởng bởi cả 2 yếu tố : Phương vị và hướng đại môn của cả tòa nhà, và của cửa chính vào căn hộ. Do đặc thù của khu chung cư, nên thường 2 hướng này không đồng phương vị với phần lớn căn hộ, thông thường được hướng này thì phạm hướng kia; rất ít nhà được cả 2 hướng này, và nếu được cả 2 hướng này thì phần lớn lại phạm cửa thông nhau.

2, Cửa vào căn hộ có thể bị nằm cuối hành lang, đối diện cầu thang bộ hoặc cầu thang máy, hoặc đối diện 1 cạnh cầu thang máy

3, Do chủ đầu tư cần tiết kiệm diện tích và để thuận tiện cho việc bố trí đường điện nước, cửa vào căn hộ có thể bị trực xung môn với cửa hàng xóm đối diện;
 
Ảnh minh họa

4, Màu sắc trong căn hộ cũng có thể không hợp mệnh với bạn; những căn hộ đẹp, căn góc lại thường bị khuyết hãm cung

5, Hệ thông xà dầm cột, phương vị và hướng của các phòng không thuận, cửa các phòng không có không gian riêng biệt và có thể bị xung đối môn (Ví dụ : Bếp đun đối diện với phòng ngủ hoặc đặt gần wc, cửa phòng ngủ xung đối nhau hoặc đối diện với khu wc, Phòng thờ lại chung với phòng khách, phòng khách thông với phòng bếp, đầu giường ngủ quay ra cửa sổ hoặc tựa nhà wc, cửa thông nhau ,,). Do có nhiền dầm cột thường là dạng hình vuông nên có thể tạo ra những cạnh góc hướng vào ban thờ, bếp, phòng ngủ hay phòng làm việc...

6, Do chung cư thường chọn vị trí thuận cho việc đi lại nên 4 mặt chu tước huyền vũ, thanh long, bạch hổ của tòa nhà đều có thể bị cây, cột án ngữ (phạm xuyên tâm sát) hoặc con đường đâm vào phạm phi đao sát;

7, Do Khu chung cư thường được quy hoạch tổng thể trên khu đất rộng nên có thể phải giải tỏa, san lấp cả những khu đồng ruộng, ao hồ, mồ mả ,,, (phạm độc âm sát) hoặc nếu chủ đầu tư làm không trọn vẹn còn có thể sót và khi xây lại đè lên ngôi mộ nào đó thì cũng phạm độc âm sát

8, Vì tòa nhà chung cư thường có mặt tiền rộng, diện tích lớn nên hầu như những nhà liền kề ở xung quanh sẽ có những mái nhọn, khe hở hay cạnh tường đâm vào;

9, Không thuận tiện như các nhà mặt đất thổ cư có thể xoay bố trí lại bếp, ban thờ, phòng ngủ cho hợp mệnh của trạch chủ, nhà chung cư thường bất khả kháng và phải dùng các pháp khí phong thủy đã được khai quang để hóa giải, vì vậy làm diện tích đã chật sẽ lại chật thêm, tuy nhiên vì sự bình An, vượng đạt nhân duyên hạnh phúc, gia đạo thái hòa, các bạn nên lưu tâm vấn đề bố trí phong thủy cho tổ ấm của mình.
(Theo phongthuygia) 

Chọn rèm cửa giúp mang lại may mắn cho gia chủ

Rèm cửa là vật trang trí cho cửa sổ, cửa ra vào thêm sinh động hay có tác dụng tránh nắng. Nhưng nếu am hiểu phong thủy, bạn có thể tận dụng màu sắc, chất liệu và kiểu dáng để biến vật trang trí này mang lại may mắn cho mình. Dưới đây là một số gợi ý hữu ích cho bạn.


Nguyên tắc đầu tiên với rèm cửa là chọn chất liệu và màu sắc phù hợp theo mùa, theo hướng cửa và mong muốn của chủ nhân trên một phương diện may mắn đặc biệt nào đó.

Nhà tọa Tây hướng Đông chọn rèm màu vàng nhạt (vàng gao rang, vàng kim nhũ, vàng chanh), xanh lơ; kiểu rèm buông rủ tự nhiên… Nhà tọa Nam hướng Bắc nên chọn rèm đỏ tía, tím than, nâu nhạt, lá cọ nhạt để giảm thủy khí quá mạnh; kiểu rèm treo có nhiều pli. Nhà tọa Bắc hướng Nam dùng rèm màu vàng đồng, trắng sữa, vàng chanh, vàng nghệ; kiểu rèm buông theo dạng khối vuông vức. Nhà tọa Đông mặt hướng phía Tây chọn rèm xanh lục đậm, xanh dương, vàng nghệ; kiểu rèm có dạng bèo hay thắt nơ.
 

Vào mùa hè, nên chọn rèm cửa màu sáng, chất liệu nhẹ nhàng nhưng tránh quá buông rủ. Mùa đông nên chọn màu ấm, vải nặng, dày để mang lại sự ấm áp. Màu sắc phù hợp với rèm của mùa xuân hè là các sắc rực rỡ nhưng dịu nhẹ như xanh lá, xanh da trời. Mùa thu đông nên chọn các màu trung tính như trắng, xám hay các sắc màu cho cảm giác mộc như vàng nâu, tím, xanh thẫm.
 

Rèm cửa nên mở vào buổi sáng để đón ánh nắng sớm, nguồn năng lượng dương tích cực vào nhà. Ban đêm, nên kéo rèm lại để nguồn năng lượng âm không ảnh hưởng đến gia chủ. Nếu cửa sổ/cửa chính đối diện với cửa kính của một tòa nhà cũng nên để rèm thường xuyên để tránh ánh phản chiếu (ánh gương) của nhà đối diện.
 

Luôn giữ rèm cửa sạch sẽ để thu hút khí trong lành. Dù rèm có chất liệu hay màu sắc gì cũng cần có kết cấu linh động, dễ dàng đóng mở, buộc lên hay buông rủ. Phần khung chốt nên làm bằng vật liệu tự nhiên, được xếp ngũ hành như: gỗ, sứ, kim loại. Mành sáo bằng lá nhôm có tác dụng chặn xung khí. Tránh sử dụng vật liệu nhựa ở rèm cửa vì nhanh chóng bị biến chất theo thời gian.  
(Theo TGĐA) 

Phong thủy giúp cải thiện ngôi nhà

Nếu bạn đang muốn cải thiện tình trạng căn nhà một cách nhanh chóng, hãy làm theo những biện pháp phong thủy dưới đây.

Đặt một công trình trang trí bằng nước gần cửa ra vào
Năng lượng chảy của nước tượng trưng cho tiền bạc, nó có khả năng đem lại tiền tài cao. Với phương pháp bài trí này, tiền sẽ “vào như nước”, kèm theo đó là những mối quan hệ với các nhân vật quan trọng.

Dọn sạch lối đi dẫn vào nhà
Hãy dọn sạch các vật cản trên lối đi dẫn vào nhà để giúp vận Khí lưu thông trong nhà cũng như trong cuộc sống gia đình bạn. Cây cảnh lùm xùm, dây leo, báo cũ, xe đạp hay đồ chơi chắn trên lối đi có thể khiến hạn chế luồng năng lượng hướng vào nhà bạn. Để tăng thêm tác dụng, hãy dọn sạch cả những vật dụng đằng sau cánh cửa.

Luôn để sách trong nhà
Bày sách tại những nơi dễ nhìn thấy trong nhà như gần cửa ra vào có thể giúp khuyến khích tri thức của bạn và con trẻ.

Sửa đồ đạc hỏng, vỡ để loại bỏ những lo âu không mong muốn
Hãy đảm bảo rằng cửa ra vào nhà bạn luôn hoạt động tốt. Nó không được cào xuống sàn nhà hoặc phát ra tiếng rít, cọt kẹt. Tay nắm, bản lề và khóa cửa phải luôn chắc chắn. Phương pháp này có thể giúp bạn giải tỏa lo lắng, buồn phiền và làm cuộc sống của bạn suôn sẻ hơn.

Thêm gia vị cho đời sống tình yêu trong phòng ngủ
Hãy đặt 3 hoặc 9 chậu cây cảnh mới trong phòng ngủ để làm sôi nổi nguồn năng lượng trong căn phòng, thêm hy vọng và sự phấn chấn. Những cây cảnh có hoa màu hồng sẽ đem đến tác dụng tối ưu.

Điều chỉnh vị trí giường ngủ để đem lại cảm giác an toàn, yêu thương và tuyệt vời
Hãy đặt giường ngủ theo vị trí quy định trong phòng ngủ. Vị trí này phải cách xa cửa nhất, nhưng vẫn có thể nhìn thấy lối vào và người ra vào khi bạn nằm trên giường. Đặt giường ngủ tại vị trí quy định giúp bạn khỏe mạnh hơn, bình tĩnh hơn và làm chủ hơn.

Đóng kín các lối thoát nước để ngăn tiền bạc “chảy đi”
Để ngăn tiền bạc bị tiêu hao, hãy luôn đóng cửa phòng tắm, treo gương thật dài phía ngoài cửa phòng tắm và đậy nắp cống xả khi không sử dụng (trong bồn rửa bát, bồn tắm và nắp bồn cầu).

Khuyến khích sự giúp đỡ bằng chuông gió
Âm thanh kim loại của chuông gió treo ở bên phải trước cửa nhà, văn phòng hay phòng ngủ có khả năng khích lệ sự giúp đỡ của người khác, đồng thời kêu gọi sự giúp đỡ nhiều hơn của những người xung quanh.

Chỉnh vị trí bàn làm việc để tạo thuận lợi cho công việc
Đặt bàn làm việc của bạn chéo với góc tường và hướng mặt về phía cánh cửa phòng (kể cả khi không gian làm việc của bạn không có cửa). Nếu không thể hướng bàn làm việc về phía cửa, hãy đặt một tấm gương trên bàn hoặc trên tường gần cửa để quan sát được người ra người vào. Sự điều chỉnh này giúp bạn gặp nhiều cơ hội hơn, tiến xa hơn trong công việc và ít thua lỗ hơn.
Khánh Ngọc (Lược dịch)

Phong thủy cần lưu ý trước khi mua nhà và những yếu tố quyết định mua nhà

Đi mua nhà là một trải nghiệm thú vị trong bất kỳ thời điểm nào. Áp dụng phong thủy trong quá trình mua nhà là một cách đầu tư khôn ngoan trên nhiều cấp độ - nó đem lại cho bạn sự an tâm, cũng như đảm bảo rằng ngôi nhà của bạn là một sự đầu tư tài chính hiệu quả.

Phong thủy tốt đồng nghĩa với năng lượng tốt, điều này giúp thu hút mọi đối tượng. Nó rất hữu ích nếu bạn có ý định bán lại nhà trong tương lai. Phong thủy tốt cũng đồng nghĩa với khỏe mạnh, hạnh phúc và thịnh vượng, đây chẳng phải là những điều bạn luôn mong muốn ở 1 căn nhà mới?

Danh mục yếu tố phong thủy đơn giản dưới đây sẽ giúp bạn đảm bảo rằng mình đã lựa chọn đúng đắn.

1. Vị trí, khu vực và bố cục mảnh đất

Trong phong thủy, khái niệm vị trí nhà ở có ý nghĩa sâu sắc bởi nó liên quan tới tính chất năng lượng lưu thông vào nhà. Cần đảm bảo nhà của bạn nhận được năng lượng tốt từ xung quanh – đường xá sạch sẽ, láng giềng tốt, không có Sát Khí sinh ra từ các công trình gần đó, không có đất dốc phía sau nhà…

Trong phong thủy nói chung, một căn nhà cần phải có không gian để thở, và ngôi nhà có phong thủy tốt cần nằm trên một mảnh đất có sân sau lớn hơn sân trước một chút. Ngôi nhà cũng cần có điểm tựa tốt (như núi hướng sau nhà) cũng như năng lượng có lợi và tầm nhìn tốt phía trước nhà.

2. Cửa trước chắc chắn

Cửa ra vào có vai trò rất quan trọng trong phong thủy do đây là con đường tiếp nhận Khí – nguồn sinh lực – của căn nhà. Những người tinh thông phong thủy thường xem xét ngay hướng phong thủy của căn nhà để xác định xem nó có hợp với hướng phong thủy của các thành viên trong gia đình không. Bên cạnh đó, cũng đừng quên xem xét các yếu tố tổng thể như cửa trước có chắc chắn không, bằng cách nhìn vào kích cỡ và sự cân xứng đối với toàn bộ căn nhà, cũng như lối dẫn đến cửa. Đôi khi bạn có thể thay đổi phong thủy xấu bằng những cách bài trí cảnh quan đơn giản, nhưng đôi khi điều này là không thể, do đó hãy cân nhắc kỹ.

3. Cửa nẻo trong nhà

Một khi đã xem xét kỹ phong thủy bên ngoài ngôi nhà và hài lòng với nguồn năng lượng phía trước nhà, đã đến lúc cần xem xét bên trong để xem nguồn năng lượng tốt sẽ đi tới đâu. Cửa trước và cửa sau căn nhà có thẳng hàng không? Nên tránh mua căn nhà có cửa trước và cửa sau nằm thẳng hàng nhau, trừ khi bạn có kế hoạch tu sửa lại căn nhà và chỉnh trang vị trí cửa. Đối với các cửa khác trong nhà cũng vậy, nhưng ở mức độ thấp hơn. Tóm lại, một lời khuyên phong thủy khi mua nhà là các cửa không được thẳng hàng nhau, vì như vậy sẽ khiến vận Khí chảy mạnh, gây mất năng lượng tốt.

4. Lối dẫn vào nhà

Lối chính dẫn vào nhà là yếu tố quyết định khă năng duy trì và sản sinh năng lượng tốt của căn nhà. Bạn thấy gì ngay khi bước vào nhà? Loại trừ cửa sau, vậy còn những thứ gì có khả năng tạo phong thủy xấu? Một bức tường? Cầu thang đối diện với cửa trước? Cửa phòng tắm, cửa tủ? Hay một phòng tắm trên lầu ngay phía trên cửa trước? Trừ khi bạn có kế hoạch tu sửa tổng thể, nếu không hãy cân nhắc kỹ những yếu tố quan trọng này khi tìm mua một căn nhà có phong thủy tốt.

5. Vị trí các phòng
Khi mua nhà mới, thứ đầu tiên mà bạn xem xét là sơ đồ mặt bằng sàn. Tuy nhiên, chính xác thì bạn cần tìm kiếm điều gì, tiêu chí nào là cần thiết để có phong thủy tốt? Vị trí nào là tốt nhất cho phong thủy phòng bếp, phòng ngủ? Làm thế nào để biết phòng tắm có phong thủy xấu và cách khắc phục những ảnh hưởng tiêu cực của nó? Những điều gì nên tránh ở tâm của ngôi nhà?

Hãy đọc bài viết này thật cẩn thận và ghi lại những điều cần thiết để đảm bảo bạn hiểu hết 5 tiêu chí cũng như tìm mua nhà một cách hợp phong thủy.
Khánh Ngọc (Lược dịch)

Phong thủy gia đình giúp luôn hạnh phúc và mạnh khỏe

Chúng ta có xu hướng dọn dẹp và lau chùi nhà cửa mỗi khi xuân về để tạo năng lượng phong thủy tốt. Đây là lẽ dĩ nhiên. Tuy nhiên, nếu bạn tạo cho mình thói quen áp dụng việc dọn dẹp nhà theo phong thủy vào bất cứ mùa nào trong năm, chất lượng cuộc sống của bạn sẽ cải thiện đáng kể và bạn sẽ cảm thấy hạnh phúc, khỏe mạnh hơn bao giờ hết.

Nhu cầu phong thủy số 1 của hầu hết mọi người là nhu cầu yêu thương trong cuộc sống, tức là nhu cầu cải thiện các mối quan hệ cá nhân, đời sống xã hội tốt hơn hay việc hòa hợp trong gia đình. Tất cả đều đem lại cảm giác yêu thương, trân trọng, và được chấp nhận. Căn nhà của bạn được coi là lớp da thứ 2 của bạn và là một công cụ hỗ trợ mạnh mẽ, quan trọng trong hành trình tìm kiếm yêu thương.
Các mối quan hệ thường rất khó giữ lâu bền và mới mẻ. Khi một mối quan hệ nở rộ và tràn đầy năng lượng thì một mối quan hệ khác có thể trở nên nhàm chán, uể oải.

Dù mối quan hệ của bạn có kéo dài 2 năm hay 20 năm thì 7 phương pháp phong thủy căn bản dưới đây cũng có thể giúp mối quan hệ đó luôn mới mẻ, tốt đẹp và lâu bền.
1. Tập trung vào việc đem lại năng lượng tươi mới cho không gian nhà bằng hoa tươi, không khí trong lành, hoa quả tươi trên bàn bếp hay những bức ảnh mới chụp…

2. Thường xuyên xê dịch đồ đạc dù chỉ vài cm. Đừng để giường của bạn nằm nguyên 1 vị trí hết năm này qua năm khác. Chỉ cần dịch chuyển giường khoảng vài cm sẽ giúp lưu thông luồng sinh khí trong phòng.

3. Tuyệt đối không để TV trong phòng ngủ.

4. Đóng cửa phòng tắm và các cánh tủ trong phòng ngủ lại. Luôn giữ chúng sạch sẽ và ngăn nắp.

5. Tô điểm không gian của bạn bằng âm nhạc tùy theo cảm xúc; âm thanh, cũng như màu sắc, là biểu hiện mạnh mẽ của năng lượng.

6. Treo, bày tranh ảnh trong đó bạn và gia đình đang tận hưởng cuộc sống.

7. Tôn trọng ranh giới của mỗi người và tạo ra không gian, thời gian nơi mỗi thành viên trong gia đình có thể dành thời gian riêng cho bản thân.

Phong thủy là một phương pháp tốt để chuyển hướng năng lượng cũ và tạo ra nguồn năng lượng mới nhằm nâng cao các khía canh quan trọng trong cuộc sống. Còn gì tuyệt vời hơn việc sống một cuộc sống tràn đầy đam mê, mục đích và sự phong phú.

Khánh Ngọc (Lược dịch)

Nhà phong thuỷ và kiến trúc sư

Khi thiết kế nhà ở, các kiến trúc sư thường chú trọng đến tính công năng, tính tiện ích, tính thực dụng kinh tế và tính thẩm mỹ.

Tuy nhiên, theo các nhà phong thuỷ, nguyên lý âm dương, ngũ hành cần được đặt lên hàng đầu khi xây dựng nhà ở. Trong khi đó, chủ nhà muốn căn nhà của mình đáp ứng được tối đa yêu cầu của cả hai. Thực tế này đòi hỏi kiến trúc sư phải hiểu phong thủy hoặc phối hợp chặt chẽ với nhà phong thủy ngay từ khi bắt tay vào thiết kế.

Bài 1: Cầu thang là nơi dẫn khí

Cầu thang là phương tiện giao thông theo chiều đứng, dùng để lên xuống các tầng trong nhà. Tuỳ bố cục mặt bằng mà kiến trúc sư sẽ thiết kế cầu thang ở vị trí nào, bằng chất liệu gì, hình dáng ra sao, kích thước thế nào. Theo đó, cầu thang có thể bằng bê tông cốt thép, bằng kim loại hay bằng gỗ, thậm chí bằng kính cường lực, với hình dạng chữ L, chữ Y, chữ U, hình vòng cung hay xoáy trôn ốc, chiều rộng thân cầu thang từ 90 - 120 cm, độ dốc từ 30 - 35 độ, mỗi đợt thang không quá 16 bậc, chiều cao mỗi bậc từ 16 - 18 cm, mặt bậc sâu từ 25 - 28 cm, tay vịn cao khoảng 90 cm…, chủ yếu nhằm đảm bảo tính an toàn và tính thẩm mỹ.

Tuy nhiên, theo các nhà phong thuỷ, cầu thang là xương sống của ngôi nhà, là nơi lưu chuyển của khí, không chỉ là không khí, mà còn là năng lượng sống, giữa các tầng. Vì thế, điểm khởi đầu của cầu thang, từ 1 - 3 bậc đầu tiên, gọi là động khẩu, cần được đặt ở vị trí có khí tốt. Động khẩu giống như cửa chính, là nơi tiếp thu khí, sau đó phần còn lại của cầu thang (gọi là lai mạch) sẽ dẫn khí đó lên các tầng. Động khẩu được đặt tại vị trí tốt thì các tầng trên được tốt và ngược lại. Do đó, chủ nhà có mệnh quái là Khảm, Ly, Chấn, Tốn, thì động khẩu cần được đặt tại một trong các phương: Đông, Đông Nam, Nam, Bắc; còn chủ nhà có mệnh quái là Càn, Khôn, Cấn, Đoài thì động khẩu cần được đặt tại phương Tây, Tây Nam, Tây Bắc hoặc Đông Bắc.

Động khẩu cũng cần thiết kế hướng về một trong bốn hướng tốt theo mệnh quái của chủ nhà. Hướng của động khẩu là hướng ngược lại khi đứng đối diện với động khẩu.

Vị trí và hướng nêu trên là nguyên tắc quan trọng hàng đầu khi thiết kế cầu thang theo phong thuỷ phái Bát trạch. Tuy nhiên, nếu cầu thang đối xung với cửa chính thì nên chọn hướng khác, hoặc chuyển hướng của chân cầu thang, hoặc thiết kế huyền quan, bình phong che chắn, vì cấu tạo của cầu thang là từng bậc, từng bậc, nên khí từ cửa chính vào nhà gặp ngay cầu thang sẽ bị “đứt đoạn”, luồng khí bị rối loạn. Mặt khác, dù cầu thang đối diện với cửa chính sẽ nhận được nhiều năng lượng, nhưng sự suy thoái cũng lớn, tài khí và phúc khí trong nhà có thể theo cầu thang mà trôi ra ngoài.

Ngoài ra, không nên thiết kế cầu thang ở phía sau nhà, vì khí trong nhà đi từ ngoài vào và thoái ở phía sau, khí đi lên cầu thang sẽ yếu. Cầu thang cũng không nên thiết kế giữa nhà, vì khu vực này có tính Thổ, sẽ bị tính Mộc của cầu thang khắc chế. Trong khi đó, giữa nhà là điểm ngưng tụ của khí, cũng là nơi tôn quý nhất của ngôi nhà, nếu đặt cầu thang ở giữa nhà sẽ có thế “dấy binh đoạt chủ” và mọi người lên xuống ở trung tâm, tạo ra không gian huyên náo, bất ổn. Cầu thang giữa nhà còn khiến ngôi nhà bị chia cắt làm hai, có thể mang đến các loại mâu thuẫn trong gia đình. Đáng chú ý, cầu thang giữa nhà có hình xoắn ốc sẽ rất nguy hiểm, vì nó giống như một mũi khoan xuyên thẳng vào tim ngôi nhà.

Nên thiết kế cầu thang dựa vào tường nhà bên trái (nhìn từ trong ra), vì cầu thang giống hình dáng của rồng, thích hợp đặt tại vị trí rồng xanh (Thanh long) này. Đặc biệt, khi cửa chính đặt ở giữa hoặc bên phải, khí từ cửa chính vận động theo chiều ngược kim đồng hồ, cầu thang bên trái sẽ tiếp đón luồng khí này thuận lợi hơn.

Lưu ý, cầu thang phải thông thoáng, sáng sủa, để năng lượng được mạnh mẽ, tươi mới và vị trí bắt đầu cũng như kết thúc của cầu thang ở mỗi tầng không nên đối diện với bếp, vì khí từ cầu thang xộc vào bếp sẽ tạo thành hung sát, đồng thời làm khí của cầu thang bị hao tán; đối diện với nhà vệ sinh thì càng phải tránh.

Để khí không bị thất thoát, bậc cầu thang không nên thiết kế dạng hở. Số bậc cầu thang của mỗi tầng cũng cần lựa chọn sao cho rơi vào cung “Sinh” trong vòng tuần hoàn “sinh - lão - bệnh - tử”, tức 4n+1, hoặc 2n+1 để khi bước chân thuận lên bậc đầu tiên thì sau khi kết thúc hành trình lại được dùng chân thuận bước lên bậc cuối cùng. Tuy nhiên, nên kết hợp hoặc ưu tiên cách tính số bậc cầu thang theo vòng Trường sinh, tức 12 sao thể hiện quy luật sinh tồn và phát triển của vạn vật.
(Theo ĐTCK) 

Phong thủy nhà chung cư

Sự xuất hiện của loại hình nhà ở chung cư đòi hỏi việc vận dụng phong thủy bên cạnh những nguyên tắc cơ bản của nhà ở truyền thống cần có những điều chỉnh linh hoạt.

Cửa và ban công

Đối với các tòa nhà chung cư, cửa chính là cái lớn, cái bao trùm. Cửa chính tốt sẽ góp phần làm cho toàn bộ căn nhà đón được nhiều khí cát lành. Trong khi đó, cửa nhỏ của từng căn hộ lại liên hệ mạnh đối với từng gia chủ. Hai cái đều cần phải quan tâm xem xét cả. Ví thử cửa lớn vào nơi suy, tử khí thì đại thể cả cái chung cư đó chưa tốt. Dẫu căn hộ tọa lạc ở phần nào của tòa nhà đều không hoàn hảo.

Những căn hộ khuyết góc không lợi về phong thủy
Ngoài cửa chính, tất cả các căn hộ chung cư đều có ban công. Đây là khoảng tiếp xúc với thiên nhiên, nắng, gió bên ngoài. Vì vậy, ban công trong các cao ốc cũng đóng một vai trò quan trọng. Nhiều người khi tìm mua căn hộ đòi hỏi hướng ban công phải hợp với mệnh của mình. Tuy nhiên, chúng ta không nên quá quan trọng điều này. Hướng cửa chính hợp đã là quá tốt rồi.

Đối với ban công, chúng ta cần lưu ý thêm một số điểm như tránh chọn những căn hộ mà cửa chính đối diện thẳng với cửa ban công vì nó sẽ làm cho năng lượng không đọng lại được trong căn nhà. Ngoài ra, khi thiết kế, cố gắng đảm bảo tất cả các không gian đều thông thoáng, đón được ánh sáng tự nhiên. Như vậy, sẽ tốt cho sức khỏe của gia chủ.

Những kiêng kỵ đối với nhà chung cư

Khi lựa chọn căn hộ chung cư, ngoài hướng cửa, chúng ta cần quan tâm đến cả hình dạng bên ngoài và cấu trúc bên trong.

Về hình dạng, nên chọn những căn hộ có hình dạng vuông vức. Tránh những căn méo mó hoặc bị khuyết những góc quá lớn, vừa không tốt về phong thủy, vừa khó khăn trong việc sắp đặt nội thất bên trong. Trong trường hợp bất khả kháng, chúng ta có thể khắc phục bằng cách treo một chiếc gương lớn tại những góc khuyết để bù lại và tạo cảm giác tròn đầy cho căn hộ.


Nhà vệ sinh ở giữa nhà là điều tối kỵ theo phong thủy
Về cấu trúc bên trong, cần lưu ý đặc biệt đến WC và bếp vì đó thường là những không gian đã được bố trí sẵn rất khó thay đổi trong căn hộ chung cư.

Phong thủy quan niệm, trong một căn nhà, khu vực trung tâm (trung cung) luôn phải sáng sủa, sạch sẽ. Vì vậy, những căn có WC nằm ở giữa nhà là tối kỵ rất bất lợi về sức khỏe.

Ngoài ra, những căn chung cư mở cửa nhìn ngay thấy bếp cũng sẽ bị hao tổn về tiền tài theo quan niệm: “Khai môn kiến táo, tiền tài đa hao”. Gặp những căn hộ như vậy, có thể dùng quầy bar che chắn để tạo sự kín đáo.

Việc kiểm soát không gian bên trên và bên dưới của căn hộ chung cư cũng rất quan trọng.

Hiện nay, để tạo thêm nhiều sức hút cho sản phẩm, chủ các căn hộ dự án thường để cho khách hàng tự bố trí không gian và sắp đặt nội thất cho căn hộ của mình. Hầu hết các khu vực như WC, bếp đều phải chạy theo các trục kỹ thuật đã có sẵn. Tuy nhiên, gia chủ có thể thay đổi kích cỡ khác nhau nên nếu chúng ta không để ý các không gian xung quanh, bên trên và bên dưới thì dễ gặp phải những bất lợi về phong thủy.

Những lỗi thường gặp là WC tầng trên với hiệu ứng tương tác khí xú uế đè nặng lên khu bếp hay ban thờ nhà dưới. Giường ngủ tầng trên nằm trên bếp tầng thấp hơn. Ban thờ dựa vào tường WC nhà hàng xóm… Đây là những vấn đề mà gia chủ cần hết sức chú ý.

Trên thực tế, việc tạo dựng một không gian căn hộ chung cư hợp phong thủy không phải việc quá khó. Tuy nhiên, để có một căn hộ chung cư tốt nhất về phong thủy, gia chủ nên quan tâm ngay từ khâu chọn mua để tránh phải sửa chữa tốn kém, lại đảm bảo sự hài hòa giữa công năng, thẩm mỹ kiến trúc và phong thủy.
(Theo Ashui) 

Bàn trang điểm theo phong thủy

Bàn trang điểm trong không gian phòng ngủ nếu được đặt theo hướng Đông Nam sẽ có tác dụng giúp gia chủ làm ăn phát đạt, còn đặt hướng Bắc sẽ khiến đường công danh, học hành thuận lợi.

  
Cũng giống như bất kỳ đồ vật nào khác, việc sắp xếp bàn trang điểm trong không gian phòng ngủ có ý nghĩa và ảnh hưởng rất lớn đến phong thủy của không gian đặc biệt này. Do đó, để thu hút được vận may, đồng thời tránh sự xung khắc với các trang thiết bị nội thất khác trong phòng, bạn cần lưu tâm đến các yếu tố Phong thủy khi bố trí bàn trang điểm.
Bàn trang điểm luôn có gương đi kèm do đó gương soi không nên đặt ở vị trí đối diện và xung khắc với cửa ra vào. Nếu phạm phải điều này, khi bước chân vào phòng ngủ mọi người rất dễ bị sự phản chiếu hình ảnh trong gương làm giật mình, hoảng hốt…
Trong không gian phòng ngủ, điều tối kỵ bạn cũng nên chú ý là không nên để gương của bàn trang điểm chiếu thẳng vào đầu giường vì theo phong thủy, phòng ngủ, nhất là giường ngủ là nơi yên tĩnh, không nên để bất cứ luồng sáng nào chiếu trực tiếp lên, sẽ khiến người ngủ trên giường bị ác mộng hoặc tinh thần bị “tán” không tốt cho sức khỏe.
  
Về hướng, theo phong thủy, gương trên bàn trang điểm nên được đặt theo hướng Đông Nam, hướng Bắc hoặc hướng Đông giúp cải thiện sức khỏe. Gương trên bàn trang điểm nếu được đặt theo hướng Đông Nam sẽ có tác dụng giúp gia chủ làm ăn phát đạt và hướng Bắc giúp đường công danh thuận lợi.
Không nên đặt bàn trang điểm theo hướng Nam vì nó sẽ khiến gương trên bàn tương tác với lửa, mà gương được xem như một yếu tố của nước, vì vậy nước sẽ kỵ với lửa.
Trên thị trường trang thiết bị nội thất hiện nay, bàn phấn, bàn trang điểm rất đa dạng và phong phú về chủng loại và hình dáng. Tùy vào nhu cầu, sở thích, bạn có thể lựa chọn được những loại phù hợp với căn phòng của mình.
  
Bàn trang điểm hiện nay thường đồng bộ với các đồ nội thất khác trong phòng ngủ như giường ngủ, tủ, táp đầu giường… tạo sự nhất quán và hiện đại cho không gian căn phòng. Với những căn phòng nhỏ, hạn chế về diện tích, bạn có thể lựa chọn những loại bàn trang điểm nhỏ gọn, có ghế ngồi thu gọn trong gầm bàn hoặc loại bàn trang điểm tích hợp các chức năng khác như bàn uống nước nhỏ, bàn làm việc… rất tiện dụng.
Để tốt về mặt phong thủy, nên chọn kiểu bàn thiết kế cho hai cánh cửa ở hai bên. Khi ngồi trang điểm thì mở hai cánh cửa ra, nếu không sử dụng thì đóng cánh cửa đó lại. Sử dụng kiểu bàn này, bất luận đặt ở vị trí nào cũng không sợ bị xung với cửa hoặc chiếu vào đầu giường.
(Theo Xzone) 

Nhà hướng nam thì sẽ hợp với tuổi nào nhất?

Hỏi: Tôi sinh tháng 8/1975, vợ sinh tháng 5/1977 (dương lịch). Chúng tôi dự định sắp tới (từ nay đến 2016) sẽ làm nhà nếu chọn được năm hợp tuổi vợ chồng.

Lô đất của chúng tôi có diện tích 5x20 m; hướng nam nghiêng tây 10 độ (tức khoảng 190 độ). Xin chuyên gia tư vấn giúp thời gian (năm, tháng nào) có thể làm được nhà. Hướng đó có hợp với tuổi vợ chồng không? Nếu không hợp thì cách hóa giải như thế nào? Cách bố trí hướng bếp, hướng giường ngủ phù hợp với tuổi vợ chồng và hướng nhà như trên? Xin chân thành cảm ơn. (Đình Thi)

Trả lời:

Chào bạn!

Tọa hướng ngôi nhà rất quan trọng, cần đo chính xác, sai lệch 1 độ cũng dẫn đến cách cục khác, việc tư vấn sẽ khác. Theo bạn đo 190 độ là Quý sơn Đinh hướng kiêm Tý Ngọ, là một cách cục xấu, không nên tự ý bố trí phong thủy.

Tọa hướng xấu thì trường khí căn nhà kém, hỗn loạn, tuổi nào vào cũng không tốt, cần phải hóa giải. Khi hóa giải chú ý đến cả tọa và hướng. Hướng có sơn tinh vượng nên trước mặt cần có nhà cao tầng, hay hòn giả sơn để che chắn, tuy vậy lại có thêm sao Thất Xích chủ về kiện tụng, thị phi, có thể hóa giải bằng hành Thủy, như để vòi nước, bể nước nhỏ. Điểm cần chú ý hóa giải nhất ở đây là tọa, tức phần sau nhà, dùng hành Hỏa và ngày giờ có Cửu Tử, có thể đặt bếp ở đây nếu vị trí thích hợp.

Cách chọn tuổi xây nhà dân gian chủ yếu theo Thần sát, không ăn nhập với nhà cửa nên bạn không cần lưu tâm. Thời gian động thổ, đổ mái... đều cần chú ý đến hóa giải cho phần sau của ngôi nhà là được. Do đó chỉ cần tránh năm 2018, còn năm 2016 có thể làm nhà. Năm 2016 nếu làm nhà, tốt nhất là động thổ vào 16h ngày 23/8 âm lịch tại phía sau mảnh đất, khi sao Cửu Tử đến.

Bếp, giường ngủ... hay những bố trí khác phải tùy theo thực tế của kiến trúc. Giường ngủ ưu tiên ở Đông Bắc, tức trong cùng bên phải ngôi nhà nếu đứng từ ngoài nhìn vào. Bếp ưu tiên vị trí Tây Bắc, hoặc Bắc, nhưng cần chú ý không để bếp hướng ra cửa.

Đó là những bố trí cơ bản, tuy vậy muốn chính xác và đúng đắn, nhất là khi tọa hướng ngôi nhà rơi vào cung xấu, bạn nên có sự tư vấn thực tế của chuyên gia. Chúc bạn mọi điều tốt lành!
Chuyên gia phong thủy Mạnh Linh
(Theo Vnexpress) 

Phòng vệ sinh theo phong thủy tốt nhất

Khi bố trí phòng vệ sinh trong nhà, gia chủ nên tuân thủ theo đúng theo nguyên tắc 'tọa hung hướng cát'. Tức là phòng vệ sinh nên đặt ở vị trí xấu (tọa hung) và cửa quay ra hướng tốt (hướng cát).

  
Với quan niệm phòng vệ sinh là nơi rửa ráy, tắm táp, đại tiểu tiện hàng ngày… vốn không sạch sẽ nên khi bố trí căn phòng “đặc biệt” này trong nhà, gia chủ nên đặt ở hướng dữ (tọa hung) và có cửa phòng quay về hướng tốt (hướng cát).
Tuyệt đối không nên đặt phòng vệ sinh ở vị trí hướng tốt bởi sẽ khiến các sao lành, sao tốt bị vấy bẩn, ảnh hưởng đến vận may của đất ở. Theo ý nghĩa này, nhà vệ sinh “tọa hung hướng cát” sẽ tốt hơn “tọa cát hướng cát”.
Theo nguyên tắc phong thủy, phòng vệ sinh tuyệt đối không được đặt ở vị trí “trung cung” (trung tâm) của ngôi nhà. Nếu phạm phải điều này, ngôi nhà của bạn sẽ bị nhiễm uế khí, gây ảnh hưởng lớn đến vận khí của gia đình.
  
Cửa phòng vệ sinh cần tránh đối diện trực tiếp với cửa chính, cửa nhà bếp và cửa phòng ngủ.
Cửa chính được gọi là “khí khẩu”, là nơi tiếp thu vận khí từ bên ngoài vào trong nhà. Nếu cửa phòng vệ sinh hướng ra cửa chính, những khí tốt và tài lộc của gia chủ sẽ bị cản lại.
Nếu đối diện với cửa nhà bếp hoặc quá gần với nhà bếp, sự hôi hám và luồng khí âm từ nhà vệ sinh sẽ “ám” vào thức ăn, gây ảnh hưởng lớn tới sức khỏe của các thành viên trong gia đình.
  
Ngoài ra, phòng vệ sinh mang biểu tượng của Thủy khí, nhà bếp mang biểu tượng của Hỏa khí. Hai phòng này nếu đối diện nhau sẽ gây nên sự xung khắc lớn, gây hao tốn tài của và bệnh tật cho gia chủ.
Cũng giống như bất kỳ căn phòng nào khác trong không gian nhà ở gia đình, phòng vệ sinh cần phải được dọn dẹp sạch sẽ, gọn gàng và thông thoáng. Tránh để căn phòng này luôn ở trong tình trạng ẩm thấp, nhớp nháp hay chồng chất đồ đạc, ảnh hưởng lớn tới sức khỏe các thành viên trong gia đình.
(Theo Xzone)