Ý nghĩa của những màu sắc trong Thiết Kế Web

Để sử dụng màu sắc trong thiết kế web là người thiết kế cần phải hiểu màu sắc mà mình đang sử dụng mang ý nghĩa gì để có thể lựa chọn một cách phù hợp nhất cho sản phẩm. Hiểu được ý nghĩa của mỗi màu sắc chính là yếu tố giúp bạn thêm cảm nhận được sự thú vị ẩn sau chúng.




Không phải ai trong chúng ta cũng đều hiểu được màu sắc này mang ý nghĩa gì hay màu sắc kia đem đến cảm nhận gì ? Tất cả về sự cảm nhận đôi khi chỉ dựa vào cảm nhận chủ quan của từng người. Ở đây chúng tôi xin giới thiệu với các bạn một số ý nghĩa màu sắc.

  • Màu xanh
Ý nghĩa của những màu sắc trong Thiết Kế Web 2Màu xanh mang đến cảm nhận về sự tin tưởng và tính bảo đảm. Nghĩ đến màu xanh khiến chúng ta liên tưởng đến trời và biển, hai hình ảnh tạo cảm giác thanh bình và truyền cho người ta sự tin cậy.




  • Màu đỏ
Ý nghĩa của những màu sắc trong Thiết Kế Web 3Đây là màu thường kích thích tuyến yên, làm tăng nhịp đập của tim và khiến người ta thở gấp. Tiếp xúc với màu đỏ khiến người ta năng nổ, mạnh mẽ, dễ bị kích thích. Chọn màu đỏ dễ gây cho người ta một sự đáp ứng say mê, dù không phải khi nào sự đáp ứng này cũng theo hướng thuận lợi. Ví dụ, màu đỏ thường là biểu hiện của sự nguy hiểm, vỡ nợ. Bạn có thể thấy một dẫn chứng rõ nhất đó là các biển báo giao thông đều mang màu đỏ. Nhìn chung, màu đỏ không  phải là màu ưa thích của người châu Âu, trái lại, người châu Á coi màu đỏ là may mắn, thể hiện tinh thần quyết thắng.

  • Màu xanh lá cây
Ý nghĩa của những màu sắc trong Thiết Kế Web 4Màu xanh lá cây thường bao hàm ý nghĩa sức khỏe, tươi mát và êm đềm. Ngay cả gam màu đậm nhạt  cũng mang những ý nghĩa khác nhau. Chẳng hạn màu xanh lá cây đậm biểu trưng cho sự giàu có và thanh thế. Màu xanh lá cây nhạt thể hiện sự êm đềm.



  • Màu vàng
Ý nghĩa của những màu sắc trong Thiết Kế Web 5Cả Đông và Tây đều coi màu vàng tượng trưng cho mặt trời, thể hiện sự lạc quan, tích cực và ấm áp. Ở mức độ đậm nhạt khác nhau tùy người cảm nhận, màu vàng còn thể hiện sự sáng tạo và sinh lực. Mắt chúng ta thường nhận ra màu vàng trước tiên, vì thế sản phẩm có màu vàng thường dễ bắt mắt người mua hàng khi đặt chúng trên kệ hàng cùng với các sản phẩm khác.
 
 
  • Màu tím
Ý nghĩa của những màu sắc trong Thiết Kế Web 6Màu tím rất thích hợp để chọn làm thương hiệu cho những sản phẩm thuộc loại mang tính sáng tạo. Nó kích thích điều huyền bí, sự tinh vi, sự coi trọng yếu tố tinh thần và màu tím thường gắn liền với hoàng tộc. Màu tím nhạt kích thích niềm hoài cổ và tính đa cảm.



  • Màu hồng
Ý nghĩa của những màu sắc trong Thiết Kế Web 7Tín hiệu phát ra từ màu hồng là sự xúc cảm mãnh liệt. Màu hồng đậm thể hiện sinh lực, sự trẻ trung, vui nhộn và sôi nổi. Màu hồng thích hợp cho các sản phẩm không đắt tiền và có tính thời trang dành cho các bà và các cô. Màu hồng nhạt tạo cảm giác dễ mến, càng nhạt càng lãng mạn.



  • Màu cam
Ý nghĩa của những màu sắc trong Thiết Kế Web 8Nghĩ đến màu cam giúp người ta cảm nhận vui vẻ, cởi mở và sức sống. Màu cam trộn giữa đỏ và vàng tạo cảm giác tập thể và thường gắn với tuổi thơ. Nghiên cứu cho thấy màu cam nhạt hấp dẫn với loại hàng hóa dành cho thị trường cấp cao, thích hợp cho dịch vụ y tế, khách sạn và các viện chăm sóc sắc đẹp dành cho phái nữ.



  • Màu nâu
Ý nghĩa của những màu sắc trong Thiết Kế Web 9Thể hiện tính mộc mạc, đơn giản, bền bỉ và ổn định. Màu nâu dễ tạo cho một số người cảm giác thiếu tích cực vì bị cho là không sạch. Màu nâu của gốm tạo cho người ta cảm giác giá trị. Màu nâu liên quan đến màu của đất nên thích hợp cho các loại xe tải và các công ty hoạt động trong ngành công nghiệp.


  • Màu đen
Ý nghĩa của những màu sắc trong Thiết Kế Web 10Màu đen là màu thể hiện tính nghiêm túc, táo bạo, quyền uy và cổ điển. Màu đen tạo ra kịch tính và sự tinh vi, phù hợp với các sản phẩm đắt tiền nhưng cũng làm cho sản phẩm trông có vẻ nặng nề.


  • Màu trắng
Ý nghĩa của những màu sắc trong Thiết Kế Web 11Màu này hàm chứa sự đơn giản, sạch sẽ và tinh khiết. Con mắt người nhận ra màu trắng là màu sáng nên sản phẩm mang màu trắng dễ nổi bật. Màu trắng thích hợp cho các sản phẩm liên quan đến lứa tuổi nhi đồng và liên quan đến sức khỏe.



Một lời khuyên dành cho bạn, khi chọn các màu trên cho nhãn hiệu của công ty mình, trước tiên nên phân thành hai nhóm màu cơ bản: Màu nóng và màu lạnh (âm hay dương), từ đó đối chiếu với loại hình hàng hóa, dịch vụ của mình mà ra quyết định. Nhìn chung, màu ấm như đỏ, vàng phát đi tín hiệu mạnh mẽ, trong khi màu trắng, màu xanh thì bình yên và dè dặt. Khi chọn màu lạnh, bạn nên chọn gam màu nhạt để tăng sức mạnh và giảm tính dè dặt do các màu này tạo ra.

Tập trung quá nhiều vào hiện tại có dẫn tới thiếu tầm nhìn?

Không ai có thể phủ nhận tầm quan trọng của sự tập trung. Sự kiên định ngay từ đầu với một chiến lược hay mục tiêu kinh doanh có thể giúp các công ty nhanh chóng đạt được những giá trị to lớn về kết quả kinh doanh, lợi nhuận, hay thị phần nắm giữ…



Hãy cùng xem xét trường hợp của Apple để làm rõ hơn vấn đề này. Steve Jobs từng đề cập rất nhiều tới sự tập trung. Thậm chí còn có lời đồn đại rằng “bí kíp” quan trọng nhất mà Jobs truyền lại cho Tim Cook (CEO mới của Apple) chính là “tập trung chính là chiếc chìa khóa [của thành công]””.
Quay về với thời điểm khi Jobs trở lại công ty do mình sáng lập, ông nhận ra rằng Apple đang theo đuổi quá nhiều mục tiêu, mà phần lớn trong số đó không mang lại hiệu quả rõ ràng. Vì vậy, Jobs quyết định đơn giản hóa mọi thứ. Vị CEO này đã vẽ ra một ma trận sản phẩm 2×2 như hình dưới đây (ma trận này sau đó được công bố tại Macworld 1998). Hai đối tượng khách hàng: người dùng phổ thông và chuyên gia. Hai phương thức sử dụng: xách tay và để bàn. Ma trận này đã giảm thiểu tối đa những sự phân loại không cần thiết, đưa số lượng dòng sản phẩm của Apple xuống chỉ còn con số 4. Đây chính là một minh họa tiêu biểu cho sự tập trung (cùng một tầm nhìn rõ ràng).

iPod: Thành công rực rỡ – nhưng đó có phải là do “tập trung”?
Không lâu sau những bước đi táo bạo kể trên, Jobs có hai quyết định trọng đại – hai quyết định đã trực tiếp thay đổi hoàn toàn lịch sử của Apple từ đó trở về sau.
Quyết định đầu tiên chính là việc ra mắt iPod. Apple vốn là một công ty máy tính. Khách hàng của họ là những người muốn/cần mua máy tính. Apple thành công ở thị trường này, và bán được một số lượng lớn sản phẩm. Một số người cho rằng Apple ngay từ khi đó đã là người dẫn đầu cuộc đua về máy tính. Và không ít người sẽ cho rằng Apple nên tiếp tục “tập trung” khai thác tối đa sức mạnh của mình trong việc sản xuất máy tính để nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường toàn cầu. Thị trường máy tính [thời điểm đó] còn rất nhiều tiềm năng, vậy phải chăng nhiệm vụ của Apple là  làm thế nào để phần lớn máy tính được bán đều mang nhãn hiệu quả táo cắn dở ?
Nhưng, thay vì tập trung vào cốt lõi của mình, Apple lại quyết định phát triển một chiếc máy nghe nhạc MP3 – iPod. Chắc chắn, vẫn có những con chip máy tính, hay những yếu tố phần mềm tham gia tạo để tạo nên sản phẩm này. Và chắc chắn, Apple có thể tạo ra một sản phẩm đầy đủ chức năng, đồng thời vẫn mang tính thẩm mỹ cao, như những gì họ đã làm với Mac. Nhưng nó vẫn là một chiếc máy nghe nhạc – có vẻ rời xa khỏi cốt lõi của Apple, và chắc chắn không phải là một chiến lược “tập trung”. Apple thậm chí không dừng lại ở một thiết bị đơn thuần. Không chỉ giới thiệu một chiếc máy nghe nhạc, Apple còn quyết định xây dựng cả một dịch vụ âm nhạc (iTunes), và rồi lại trực tiếp đàm phán với các công ty nội dung để đưa âm nhạc của họ vào iTunes. Quá nhiều cho cái gọi là “tập trung”
Nhưng chắc chắn bạn cũng nhận ra một điều quan trọng là nếu Apple không đồng thời làm cả ba việc trên ( thiết bị iPod, dịch vụ iTunes và các thỏa thuận hợp tác), thì bản thân iPod khó có thể thành công, và không dễ để Apple có được thành công như hôm nay.
Sau đó, đến lượt sự xuất hiện của iPhone – với nhiều nét tương đồng như lần ra mắt iPod – nhưng với một thị trường khác và những nguyên lý khác (đối tác đàm phán của Apple lần này là các nhà mạng điện thoại). Lần này bạn có thể cho rằng Apple đã tuân thủ sự “tập trung”, khi nó vẫn đi theo mô hình của iPod trước đó. Và, thay vì tự thành lập một nhà mạng cho riêng mình, công ty đã quyết định hợp tác với các nhà mạng lớn có sẵn. Hoặc bạn cũng có thể cho rằng, lại một lần nữa, Apple có một cú “drift” ấn tượng vào một thị trường mới – thị trường điện thoại thông minh. Nhưng dù ủng hộ quan điểm nào, bạn cũng không thể phủ nhận thành công rực rỡ của sản phẩm. Dưới dây là một biểu đồ thú vị cho thấy tỉ lệ doanh thu theo dòng sản phẩm của Microsoft cũng như Apple. Bạn có thể để ý thấy rằng với Microsoft, mọi thứ tương đối ổn định qua các năm. Trong khi đó với Apple, câu chuyện lại hoàn toàn khác. Apple giờ đây đang tạo ra hàng tỉ đô la từ những sản phẩm mới (iPhone, iPad). .
Tập trung và thiếu tầm nhìn – một ranh giới mỏng
Vậy đây là quan điểm của tôi: Nói về sự tập trung sẽ là vô nghĩa nếu bạn không xem xét đến mức độ trừu tượng của vấn đề bạn đang nói tới. Giống như khi chúng ta nheo mắt, tiêu điểm sẽ thay đổi, những thứ tưởng như mờ ảo lại trở nên rõ ràng. Như với ví dụ về iPod bên trên, bạn có thể nói rằng Apple đã thể hiện rất rõ ràng sự thận trọng và tập trung khi quyết định xâm nhập vào các thị trường ít nhiều liên quan tới công nghệ, thay vì nhảy vào thị trường hoàn toàn xa lạ, như thành lập lập hẳn một studio ở Hollywood rồi trở thành công ty sản xuất nội dung chi iPod. Hoặc, bạn cũng thể lập luận ở góc nhìn khác khi cho rằng Apple đã mất tập trung khỏi cốt lõi của họ [sản xuất máy tính].
Tôi đồng ý rằng “tập trung” tức là nói “không”. Nhưng đó chưa phải là tất cả. Với việc nói “không” nhiều lần với những thứ không mang lại hiệu quả, bạn đã tự mua cho mình khả năng được nói “có” với một cơ hội tốt hơn rất nhiều. Bạn bảo toàn được nguồn lực cho những gì quan trọng. Vậy nên, ích lợi của việc nói “không” với một loạt những thứ sai lầm kia chỉ được nhận ra và đánh giá đúng đắn một khi bạn nhận ra và nói “có” với cơ hội thực sự. Ở đây tôi chủ yếu nói đến các chiến lược tầm cao của các công ty. Nếu chung ta nói về sự “tập trung” khi áp dụng vào những công việc cụ thể như quản lý sản phẩm, việc nói “không” với những tính năng mới đơn thuần là giúp cho sản phẩm giữ được sự đơn giản, gọn nhẹ.
Giờ hãy cùng bàn tới sự thiếu tầm nhìn. Thông thường, “tập trung” sẽ xoay quanh thì hiện tại, thay vì những gì xa xôi ở tương lai. Nhưng, quá tập trung vào những gì đang diễn ra ở hiện tại mà không lưu tâm đến xu hướng thị trường hay những gì khách hàng sẽ muốn/cần ở tương lai là một sai lầm vô cùng tai hại. Đây chính là những gì được đề cập trong cuốn Innovator’s Dilemma (một trong những đầu sách kinh doanh yêu thích nhất của tôi). Vậy nên, giữa tập trung và thiếu tầm nhìn chỉ là một ranh giới mỏng. Tìm ra điểm cân bằng giữa tập trung vào hiện tại và đón đầu những xu hướng của tương lai luôn là một vấn đề mấu chốt của các công ty. Tuy nhiên xác định được nó lại không hề dễ dàng.
Cùng với sự phát triển của công ty, việc xác định điểm cân bằng cũng trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Trong những ngày đầu khởi nghiệp, câu trả lời đúng sẽ là tập trung một cách tối đa. Bởi khi đó các nguồn lực còn rất hạn chế, và bản thân sản phẩm của startup thường đã mang sẵn tính đổi mới, sáng tạo. Nhưng khi công ty phát triển, bạn có nhiều nguồn lực hơn, và các lựa chọn phát triển cũng đa dạng hơn rất nhiều. Đặc biệt là khi sản phẩm hiện tại của bạn dường như đang bị tụt lại phía sau, và một sự đổi mới trở nên rất cần thiết. Khi đó sẽ có những ý kiến tranh luận về việc nên tiếp tục tập trung vào ngành kinh doanh cốt lõi và giúp những khách hàng hiện tại hài lòng hơn nữa về dịch vụ hay sản phẩm của công ty, hay đi tìm kiếm cơ hội kinh doanh ở một ngành mới. Sẽ không bao giờ có được kết luận chính xác rằng cách nào đúng và cách nào sai. Câu trả lời hợp lý sẽ nằm đâu đó ở giữa – sự kết hợp của cả hai ý kiến này.
Cân bằng giữa tư duy “tập trung” và tư duy “đổi mới”
Dưới dây là một vài gợi ý đơn giản (nhưng không dễ thực hiện) về việc quyết định khi nào nên tập trung:
1. Nếu vẫn còn nghi ngờ, tiếp tục tập trung. Đừng xao nhãng, hãy tập trung nhiều hơn cho vị trí hiện tại của bạn. Lợi ích của việc tập trung là to lớn, thậm chí theo cấp số nhân. Ngay cả một sự cải thiện nhỏ trong việc tập trung cũng có thể nâng cao hiệu quả thêm rất nhiều.
2. Thông thường, các công ty sẽ phát triển một sản phẩm mới cho các khách hàng hiện tại, hoặc đưa sản phẩm hiện tại của mình tiếp cận một thị trường mới. Giữa hai cách này, phương án an toàn hơn sẽ là tiếp tục tập trung vào các khách hàng hay thị trường hiện tại, và phát triển các sản phẩm mới cho đối tượng này. Tiếp cận một thị trường mới thường khó khăn và rủi ro hơn rất nhiều.
3. Nếu đang có ý định phát triển một sản phẩm mới cho một thị trường mới, hãy cân nhắc kỹ càng và sâu xa. Nhiệm vụ này luôn ẩn chứa đầy rủi ro. Nếu không hãy tiếp tục tập trung vào thị trường hiện tại, hoặc sản phẩm hiện tại của bạn.
4. Hãy tìm ra một cách đơn giản để có thể dành một phần năng lượng/nguồn lực của bạn cho việc tìm kiếm những cơ hội mới (thay vì tập trung toàn bộ [nguồn lực] vào giá trị cốt lõi hiện tại). Nếu không chủ động thực hiện nỗ lực này, thì gần như công ty sẽ đi theo theo quan điểm “chúng ta nên tập trung nhiều hơn nữa” ở trên – một lựa chọn không hẳn lúc nào cũng chính xác. Vậy hãy xây dựng một văn hóa đổi mới song song với văn hóa thực hiện ở trong công ty của bạn.
Một vài ví dụ khác
Bên cạnh Apple, đây là một vài ví dụ khác cũng đáng để chúng ta học hỏi:
Amazon: Khởi nghiệp là một công ty bán sách trực tuyến. Tiếp tục tập trung vào thương mại điện tử bằng việc mở rộng tới quy mô bán trực tuyến gần như tất cả mọi thứ. Rồi BÙM! Amazon lấn sân sang thị trường điện toán đâm mây với Amazon Web Services (AWS)
37signals: Jason và DHH của 37signals đã đạt được rất nhiều thành công nhờ sự tập trung và duy trì mọi thứ đơn giản. Tuy vậy, họ không dừng lại ở Basecamp ( project management). Họ mở rộng sang Highrise (CRM) và Campfire (group chat).
HubSpot [công ty của tác giả]: Khi khởi nghiệp với HubSpot, chúng tôi đặt mục tiêu xây dựng một bộ các ứng dụng marketing (bao gồm content management, công cụ SEO, social media, blogging, marketing analytics). Sau đó, chúng tôi bổ sung thêm email marketing, lead nurturing cùng những tính năng marketing tự động khác. Giờ đây, HubSpot trở thành một nền tảng marketing toàn diện đầu tiên trong ngành – bao gồm một bộ tổng hợp các ứng dụng, một chợ ứng dụng và một chợ dịch vụ — tất cả dưới một mái nhà. Và, dễ hiểu là, chúng tôi vẫn thường xuyên tranh luận về chủ đề “tập trung”.
Kết luận
“Tập trung” là một khái niệm đặc biệt mạnh mẽ. Điều hiển nhiên là các công ty, đặc biệt là các startup nên duy trì sự tập trung. Phần lớn startup thất bại không phải vì thiếu ý tưởng, mà vì ôm đồm quá nhiều để cuối cùng lại không thực hiện được ý tưởng nào. Tuy nhiên, quyết định tập trung tới mức độ nào, và tập trung vào đâu, lại là một quyết định không hề dễ dàng. Lịch sử vốn đã có không thiếu những ví dụ về những công ty quá chú trọng “tập trung”, tới mức thiếu tầm nhìn, và không đón đầu được xu thế thị trường.
 Theo Onstartups

 

3 rào cản tâm lý cần vượt qua để kinh doanh thành công

Học cách để tự mình vượt qua những rào cản tâm lý sẽ giúp các doanh nhân mạnh mẽ hơn khi đối mặt với những thử thách trên thương trường. Dù đang ở giai đoạn khởi nghiệp hay đang phát triển mở rộng công việc kinh doanh, những lời khuyên dưới đây sẽ giúp các doanh nhân vượt qua những rào cản tâm lý khó khăn nhất.
Theo bà JoAnn Dahlkoetter - một chuyên gia tâm lý thi đấu và thể thao tại San Carlo, bang California - hàng ngày, các vận động viên ưu tú cũng gặp phải những thách thức tương tự như các doanh nhân thành công. 
 
Bà nhận thấy rằng, không ít chiến lược mà các vận động viên sử dụng để vượt qua trở ngại và giành huy chương cũng phát huy hiệu quả trong kinh doanh.
Sau đây là những lời khuyên giúp các doanh nhân vượt qua ba trong số những rào cản tâm lý khó khăn nhất. 
 
Rào cản thứ nhất: Suy nghĩ tiêu cực
 
Trong thể thao, kinh doanh và trong cuộc sống, chính những suy nghĩ tiêu cực là rào cản tâm lý lớn nhất ngăn trở bạn tiến tới thành công. 
 
Hãy loại bỏ những suy nghĩ tiêu cực kiểu như “Mình không đủ giỏi”, “Mình không thể làm được điều này”. Hãy học cách suy nghĩ tích cực. 
 
Hỏi bản thân những câu hỏi hay hơn sẽ giúp bạn tiến lên phía trước. Ví dụ: “Có gì hay ho trong sự việc này không?”,“Mình có thể dùng những công cụ hay nguồn lực nào để xoay chuyển tình thế theo hướng mà mình thích?”...
 
“Có lẽ khách hàng lớn mà bạn vừa để tuột mất đã không phù hợp với công ty bạn, và giờ bạn phải mở rộng băng thông để phục vụ một khách hàng lớn hơn và tốt hơn. Càng tích cực xoay chuyển suy nghĩ tiêu cực, bạn càng dễ thấy các cơ hội ẩn sau vận đen của mình” - Dahlkoetter nhận định.
 
Rào cản thứ hai: Để công việc vắt kiệt sức lực
 
Cũng giống như các động viên bị chấn thương và đuối sức, ngay cả những chủ doanh nghiệp có khả năng phục hồi nhanh nhất cũng từng trải qua tình trạng mệt mỏi kéo dài vì họ đã dốc quá nhiều sức lực vào công việc kinh doanh. 

 
Ngoài chế độ ăn lành mạnh và ngủ đủ giấc, điều quan trọng là bạn phải quy định thời gian nghỉ ngơi từ vài giờ đến vài ngày, ngừng tất cả các liên lạc.
Nếu không thể làm như vậy, bạn hãy tận hưởng một kỳ nghỉ trong tâm thức. Hãy tìm một nơi mà bạn không bị ai làm phiền và ở lại đó khoảng 5 đến 10 phút. Thở sâu và mường tượng bản thân mình đang xả hơi trong một nơi đẹp đẽ giống như trên một bãi biển chẳng hạn. 
 
Nghe có vẻ thiếu thực tế nhưng nghiên cứu từ lâu đã cho thấycác hiệu ứng tích cực của việc trầm ngâm suy nghĩ đối với mức độ căng thẳng và sức khỏe. 
 
Thực tế, theo một nghiên cứu mới của trường Đại học Washington, việc thường xuyên trầm ngâm suy nghĩ có thể làm tăng sự tập trung và khiến hiệu suất công việc của bạn tăng thêm.
 
Rào cản thứ ba: Những nỗi sợ hãi
 
Để được tham dự một cuộc tranh tài tại kỳ Olympic, các vận động viên phải rèn luyện trong một thập kỷ hoặc hơn. 
 
“Các học viên của chương trình đào tạo doanh nhân Treps cũng phải chịu sức ép này khi họ đối mặt với những cản trở hoặc thất bại ảnh hưởng đến việc kinh doanh”, Dahlkoetter cho biết.
Vậy, làm sao để vượt qua nỗi sợ hãi?
 
Bà Dahlkoetter đưa ra một số lời khuyên sau:
 
1. Tự mình lật lại những kỹ năng và năng lực đã đưa bạn tới với thành công hiện nay. Tưởng tượng ra mình đang giành được hết thành công này đến thành công khác. Sau đó hãy tập trung vào thời điểm hiện tại. 
 
2. Đừng nghĩ về quá khứ hay lo lắng về tương lai. Thay vào đó, hãy quyết định ngay bước tiếp theo mình cần làm gì để đạt được thành công mong muốn. Nếu bạn đang lo lắng về việc chốt một thương vụ lớn, hãy tạo ra một danh sách những việc làm sẽ tạo cho bạn nhiều lợi thế nhất như: nghiên cứu điểm mạnh và yếu của các đối thủ, viết một đề xuất “chết người”, chăm chút bài thuyết trình của bạn,... sau đó thực hiện từng việc một. 
 
3. Hành động tích cực một cách mạnh mẽ để loại trừ hoàn toàn nỗi sợ hãi trong bạn. 
 
(Dịch từ Entrepreneur)

4 thói quen đáng học tập từ các doanh nhân xã hội

Liên tục cập nhật tin tức, tự mình suy ngẫm, định hình vấn đề và hãy mở lòng
Khi nghĩ về những thay đổi đột phá cho xã hội, chúng ta thường nghĩ đến kết quả của chúng – các công nghệ hỗ trợ người mù, giải quyết vấn đề việc làm cho người thất nghiệp, nhà cửa cho người vô gia cư. Nhưng để có được những thành quả đó, nhiều người làm việc chăm chỉ để tạo ra những ý tưởng mới và những giải pháp mới, hiệu quả hơn cho các vấn đề hiện tại. Vậy họ làm gì mỗi ngày?

Trong hơn 4 năm qua, tôi và các đồng sự tại Design for America đã làm việc với hơn 2000 người cải tiến xã hội (social innovators) ở mọi lứa tuổi và ngành nghề. Chúng tôi nhận thấy rằng dù làm nghề gì đi chăng nữa, những nhà phát minh xã hội đều có những thói quen chung. Họ đều…

1, Liên tục cập nhật tin tức

Những người cải tiến xã hội đọc tin tức – ở cả mức độ địa phương, quốc gia và quốc tế. Họ giữ mình luôn cập nhật thông tin mới nhất. Một số ngồi nhâm nhi tách cà phê sáng và đọc New York Times từng trang một. Nhưng phần lớn không có thời gian làm vậy và họ đọc lướt qua tiêu đề báo, sử dụng Twitter và check RSS feed mỗi sáng.

Lấy Jeff Bigham, người thiết kế VizWiz - thiết bị giúp người mù có thể chụp ảnh bất cứ thứ gì và lập tức nói cho họ biết đồ vật gì đang ở phía trước, làm ví dụ. Jeff check Twitter mỗi giờ. Vì sao? Ông “follow” 731 người  - một số là những người mù dùng Twitter để chia sẻ kinh nghiệm sống hàng ngày của mình, số khác là những chuyên gia máy tính hay những nhà báo viết về những công nghệ mới nhất. Sử dụng Twitter cho phét Jeff nhanh chóng xác định vấn đề và hình dung ra các giải pháp xử lý. Để các giải pháp này hoạt động hiệu quả, Jeff cần phải biết những gì đang diễn ra ở thế giới xung quanh.
Cách sống này của Jeff hoàn toàn phù hợp với nghiên cứu của Bob Sutton – nhà nghiên cứu về quản trị tại đại học Stanford. Những người tiếp nhận thông tin về thế giới bên ngoài liên tục có nhiều khả năng phát minh hơn vì họ có khả năng áp dụng thông tin từ mảng này sang mảng khác trong cuộc sống. Jeff sử dụng công nghệ điện toán xã hội (social computing technology) để trợ giúp người mù, và để làm được việc đó, anh ấy phải hiểu về cả hai lĩnh vực.

2, Tự mình suy ngẫm

Những người cải tiến xã hội suy ngẫm về cuộc sống hàng ngày thông qua ý nghĩa các thông tin họ nhận được đối với họ và với thế giới. Họ chú ý tới những khoảnh khắc làm họ “rợn tóc gáy” và nghĩ về cách các khoảnh khắc đó ảnh hưởng đến nhiệm vụ hay mô hình kinh doanh của họ. Ví dụ khi Jeff Chapin, một kỹ sư thiết kế, sống ở Bay Area, anh sử dụng chiếc Segway (loại xe tự cân bằng, có 2 bánh đặt song song và chạy bằng điện) để đi làm. Một ngày, chiếc xe hết pin ngay phía trước một người đàn ông vô gia cư. Ông này đưa ra nhận xét với Jeff: “Thật tệ khi những thứ cơ bản nhất chẳng thèm hoạt động.” Câu nói này khiến Jeff tự hỏi: điều gì là các “thứ cơ bản” lúc nào cũng có sẵn với anh? Xe cộ đi lại, nhà cửa? Không phải. Với Jeff, đó là các vấn đề về vệ sinh. Điều này thôi thúc anh tới Campuchia, thiết kế các nhà vệ sinh cho người nghèo ở vùng nông thôn. Dự án Easy Latrine của anh đã bán được hơn 70,000 nhà vệ sinh và khởi đầu cho hơn 50 doanh nghiệp kinh doanh mới ở vùng nông thôn Campuchia.   
Hành động của Jeff sau khi gặp người đàn ông vô gia cư ở San Francisco phù hợp với việc những người cải tiến xã hội làm khi họ gặp vấn đề không lường trước – họ suy ngẫm về vấn đề đó. Trong hơn 20 năm nguyên cứu của mình, giảng viên Harvard Amy Edmondson nhận thấy rằng những người cải tiến xã hội không quay đi khi mọi việc đi chệch kế hoạch, mà họ tự hỏi rằng họ có thể làm gì khác đi nếu lần sau gặp tình huống tương tự.

3, Định hình lại vấn đề

Những người cải tiến xã hội thường định hình lại các vấn đề lớn trong xã hội thành một chuỗi các vấn đề nhỏ hơn và có thể xử lý được. Ví dụ, Rebecca Onie chỉ là một sinh viên năm thứ hai khi cô nhận ra mối quan hệ giữa nghèo đói và sức khỏe kém: những bệnh nhân nghèo thường thiếu các nguồn hỗ trợ cơ bản như thức ăn hay nơi ở, và việc thiếu các sự hỗ trợ đó thường dẫn đến sức khỏe kém. Với một vấn đề lớn như vậy, đáng lẽ Onie phải thấy “ngợp”. Nhưng không, cô tự hỏi mình có thể làm được gì, dù chỉ rất nhỏ bé thôi, để thay đổi. Rebecca tìm tới Tiến sỹ Barry Zuckerman, Trưởng khoa Nhi tại Trung tâm Y tế Boston, và thuyết trình với sinh viên của vị Tiến sỹ kia về cách sinh viên có thể giúp thay đổi tình hình. Onie hỏi: “Sẽ thế nào nếu các bác sỹ có thể “kê đơn” thức ăn, nhà cửa và lò sưởi vào mùa đông, và các sinh viên có thể giúp những người bệnh có được những thức đó?” Cô thành lập Health Leads, một nhóm các sinh viên tình nguyện có nhiệm vụ giúp người nghèo có được những “đơn thuốc” cho mình. Nhóm đầu tiên được thành lập ở Boston, nơi Rebecca sống. Hiện tại, họ đã có mặt ở 6 thành phố khác nhau, bao gồm cả New York.
Việc định hình lại các vấn đề lớn của Rebecca phù hợp với lý thuyết về những chiến thắng nhỏ (small wins) của nhà xã hội học Karl Weick tại đại học Michigan. Ông cho rằng mọi người sẽ bị “choáng” khi nhìn thấy độ lớn của các vấn đề xã hội, từ đó sẽ không thực hiện điều gì để thay đổi. Việc định hình lại các vấn đề lớn thành các “mảnh” nhỏ hơn khiến công việc trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Phương pháp này giúp người dùng thấy được hiệu quả chính xác việc mình làm và có thể dễ dàng theo dõi diễn biến công việc. Việc theo dõi tiến độ này khuyến khích người ta tiếp tục làm, thu hút những người ủng hộ và thậm chí hạn chế những người phản đối.

Bằng việc nhìn vấn đề theo một cách khác, những người cải tiến xã hội có thể làm tốt hơn việc mình muốn làm.

4, Hãy mở lòng

Những người cải tiến xã hội thường cởi mở và nhờ đến bạn bè để thử test các ý tưởng của họ. Họ không giấu các ý tưởng cho đến khi thực hiện nó một cách hoàn hảo, họ nhận phản hồi, sửa đổi và tiếp tục dự án. Nhiều người cải tiến xã hội mở shop tại cộng đồng họ đang làm việc để họ có thể “nhúng” mình vào vấn đề xã hội đang mắc phải và có thể thường xuyên kiểm tra xem giải pháp họ đưa ra có dùng được hay không.

Anand Kulkarni là CEO của MobileWorks, công ty đã kết nối những người bán thất nghiệp (những người làm việc không hết năng lực) trên khắp thế giới và tuyển họ làm các công việc ngắn hạn (short-term) cho các công ty trong danh sách Fortune 500. Những nhân viên này được trả lương cao hơn mức ngoài thị trường và nhiều công việc thậm chí có thể hoành thành chỉ qua điện thoại. Anand kết nối người thất nghiệp trên khắp thế giới để “test” ý tưởng biến MobileWorks trở nên tốt hơn. Trong một cuộc gọi điện gần đây, Anand đã hỏi một nhân viên trong mạng lưới của mình rằng anh ấy có muốn công ty giúp tìm bảo hiểm y tế hay không. Nhân viên đó đã trả lời “có”. Giờ đây, với yêu câu của nhân viên nọ, MobileWorks giúp giảm chi phí bảo hiểm y tế cho nhân viên đang làm việc cho công ty. 
Phong cách làm việc của Anand phù hợp với nghiên cứu về việc “test” các ý tưởng. Một nghiên cứu kéo dài 18 tháng thực hiện trên các một nhóm kỹ sư thiết kế đã chỉ ra rằng việc “test” các ý tưởng mới giúp ta cảm nhận được công việc đang tiến triển dù cho nhiều khi công việc là một chuỗi vô tận các thất bại.

Vậy, bài học rút ra là nếu chúng ta thực sự muốn thay đổi thế giới đang sống, chúng ra phải thay đổi từ chính những thói quen hàng ngày của mình.

Theo Forbes

10 bí mật marketing nên “đánh cắp” ngay

Đánh cắp ý tưởng là tập hợp những bí quyết độc đáo và hay nhất, là kinh nghiệm 30 năm về lĩnh vực marketing của Steve Cone - Giám đốc điều hành Quản lý thương hiệu và marketing của Ngân hàng Đầu tư và quản lý tài sản của Citigroup.
Steve Cone đã từng làm việc cho Key Corp, CitiBank, American Express. Hiện ông là Giám đốc điều hành quản lý thương hiệu và marketing cho Ngân hàng Đầu tư và quản lý tài sản của Citigroup.

Hơn 30 năm kinh nghiệm, Steve Cone đã tạo một chỗ đứng uy tín trong lĩnh vực quản lý marketing. Những bí quyết độc đáo và hay nhất về lĩnh vực marketing của ông được tập hợp trong cuốn "Steal These Ideas" -Đánh cắp ý tưởng.

1. Ba bí mật quyết định sự thành công của một chiến dịch marketing

Một chiến dịch marketing thành công hội đủ ba yếu tố quan trọng: sức lôi cuốn, nội dung mới lạ, động lực thúc đẩy khách hàng hành động.

Một mẫu quảng cáo thành công phải đạt được các mục tiêu: Thứ nhất, tạo động lực thúc đẩy cho đội quân của bạn, nghĩa là tạo sự phấn khích trong nội bộ nhân viên. Thứ hai, nhắn nhủ với khách hàng hiện tại về tầm quan trọng của họ và tạo thêm khách hàng mới. Thứ ba, thu hút nhân tài từ đối thủ cạnh tranh. Và thứ tư, tăng cường hình ảnh quảng bá tích cực cho công ty và xây dựng thương hiệu.

2. Thế nào là thương hiệu? Điều gì tạo nên sự thành công cho thương hiệu? Quản lý thương hiệu ra sao?

Thương hiệu là một cá nhân, một nơi chốn, hay một vật thể có thể nhận biết được. Vấn đề chủ yếu trong việc xây dựng thương hiệu là tính đặc thù và sự khác biệt. 

Các thương hiệu nổi tiếng thường chỉ được miêu tả bằng một hoặc hai từ, kết hợp logo của công ty hoặc khẩu hiệu đơn giản. Nếu biểu tượng của bạn độc đáo đến nỗi không cần phải giải thích gì thêm thì bạn đã thành công trong hoạt động marketing.
Quản lý thương hiệu chỉ bao gồm bốn yếu tố: 1/ Ưu thế sản phẩm độc đáo có tính thuyết phục; 2/ Hình tượng thương hiệu thu hút sự chú ý; 3/ Sản phẩm có độ tin cậy cao và mang tính mới lạ; 4/ Hoạt động quảng cáo tổng hợp và dễ nhớ.

3. Cách tạo nên một ưu thế sản phẩm độc đáo (USP)

Bất kỳ công ty nào cũng cần có một ưu thế sản phẩm độc đáo (USP: Unique Selling Proposition) thể hiện dưới dạng một tôn chỉ kinh doanh ngắn gọn hay một khẩu hiệu gây ấn tượng, cũng có thể là phần trình bày trực quan về sản phẩm hay dịch vụ.

Thông thường, mọi vấn đề chỉ xoay quanh một ý tưởng to tát nào đó, đôi khi có những ý tưởng rõ ràng đến nỗi bạn khó nhận biết được sức mạnh tiềm năng của nó. Nhưng USP hay nhất thường được tạo ra một cách tình cờ, có những lúc quan sát cách đối thủ cạnh tranh định vị sản phẩm của họ, bạn nảy ra một ý tưởng mới hoàn toàn khác biệt, điều quan trọng là bạn phải nắm bắt những ý tưởng xuất hiện bất chợt ấy. Quảng cáo rượu Rum của công ty Meyer’s là: “Old and Not improved” (Cũ và chưa từng được cải tiến). Hoàn toàn khác biệt và thật sự độc đáo!

4. Ba cách xây dựng một nhân vật đại diện nổi bật và dễ nhớ cho doanh nghiệp

Một nhân vật đặc biệt sẽ có tác động đáng kể trong chiến lược quảng cáo. Nhân vật đại diện này có thể là người của công ty hoặc thuê những người nổi tiếng. Người đó thật sự yêu thích và hiểu rõ sản phẩm hay dịch vụ mà họ sẽ quảng bá, họ cảm thấy thoải mái trong mọi tình huống giao tiếp, kể cả những buổi phỏng vấn với báo chí và những buổi họp mặt nhân viên, có giọng nói hay và truyền cảm, lôi cuốn mọi người ở tất cả các lứa tuổi, và chấp nhận quảng bá trên phương tiện truyền thông.

Có thể dùng nhân vật tưởng tượng do diễn viên đóng vai, có thể dùng nhân vật hoạt hình, đương nhiên phải phù hợp với sản phẩm hoặc dịch vụ của công ty.

Những nhân vật đã qua đời vẫn có thể làm hình ảnh đại diện. IBM đã sử dụng hình ảnh Charlie Chaplin để quảng cáo dòng sản phẩm máy tính cá nhân trong thập niên 1980.

5. Phải thấy được mới có thể đọc được

Bạn phải làm sao để mẫu quảng cáo của công ty được mọi người đọc và phản hồi. Muốn thế, bạn phải chú ý đến phông chữ, cách trình bày, cách in ấn và thiết kế.

Màu sắc của mẫu quảng cáo cũng rất quan trọng. Phải tránh bất kỳ màu sắc nào mà bạn thấy trong phòng tắm như màu be, xanh lá cây nhạt hoặc xanh dương. Sự phối hợp màu tương phản hiệu quả nhất giúp khách hàng dễ đọc, như Công ty Western Union đã kết hợp khéo léo chữ đen trên nền vàng.

6. Sự quan trọng và hiệu quả của cuốn brochure

Trên trang bìa của cuốn brochure có thể in hình ảnh của một nhân vật nào đó như người đại diện, sếp, hay một khách hàng, một chuyên gia sẽ được thể hiện nổi bật trong cuốn brochure, cùng với những điểm tạo ấn tượng. Ở bìa trong tóm tắt những nội dung chính một cách dễ đọc. Các trang bên trong, bạn hướng dẫn độc giả cần phải làm gì với đường dây nóng, địa chỉ website… Nội dung được thể hiện dưới hình thức hỏi đáp gây cảm giác tò mò và hứng thú. Bạn phải suy nghĩ và trình bày như một tờ tạp chí, nghĩa là sử dụng hình ảnh người thật, việc thật, luôn có ghi chú dưới những bức ảnh, viết ngắn gọn, khúc chiết. Ở bìa sau ghi tên người liên hệ và địa chỉ công ty thật rõ ràng.

7. Những câu slogan quảng cáo sống mãi với thời gian

Câu slogan thành công luôn mang tính đặc thù, phản ánh đặc điểm, hình ảnh thương hiệu, ngành nghề của công ty. Yếu tố khác của slogan là phải ấn tượng, tạo sự phấn khích, có âm điệu dễ nhớ để nó sống mãi với thời gian. Việc quyết định thay đổi slogan cần phải xem xét kỹ và nghiêm túc.

Khi công ty có nhiều ngành nghề khác nhau, ta có thể sử dụng chung một câu slogan và hãy giả định tầm hoạt động của công ty vượt khỏi biên giới quốc gia (dù thực thế chưa phải vậy). Nếu bạn giới thiệu slogan trên truyền hình, để sinh động hơn, hãy chạy 3 lần trên màn hình và nhấp nháy chữ theo thứ tự sau đó tan ra và biến thành logo của công ty, sẽ để lại trong lòng khán giả một ấn tượng lâu dài, tích cực và lạc quan.

8. Tư duy tổng thể và hành động cụ thể… 

Dù ở bất kỳ đâu, công ty của bạn, sản phẩm hay dịch vụ của bạn cũng cần có chung đặc điểm định vị, chung yếu tố hình ảnh. Chương trình marketing cần phải chỉnh sửa theo ngôn ngữ của từng quốc gia. Việc sử dụng nhân vật nổi tiếng của từng quốc gia làm hình ảnh đại diện cũng là cách làm phù hợp. Tuy nhiên, sử dụng chung một chương trình marketing nói lên thông điệp bán hàng tổng thể, cách thức đồng bộ và lôi cuốn vẫn tỏ ra có hiệu quả.

9. Sự kết hợp toàn diện

Trong marketing, mọi phương tiện truyền thông cần phải phối hợp đồng bộ. Từ truyền hình, báo chí, đài phát thanh, các hoạt động ngoài trời, mạng internet, gửi thư trực tiếp - tất cả chung mục tiêu là có được một phản hồi nhất định từ khách hàng.
Nếu công ty chưa có đối thủ cạnh tranh chính yếu, bạn cần giả định như thể là mình đang có. “Đội quân” của bạn cần phải được đào tạo bài bản và có động lực thúc đẩy, họ cũng cần phải tin vào sản phẩm của công ty khiến công việc của họ trở nên có ý nghĩa hơn. Bạn cần phải hành động trước để giành lấy khách hàng từ đối thủ cạnh tranh, trước khi họ kịp làm điều đó đối với bạn.

10. Lựa chọn vị trí quảng cáo tối ưu 

Việc lập kế hoạch quảng cáo qua phương tiện truyền thông bao gồm 70% liên quan đến nghệ thuật và 30% liên quan đến khoa học. Có 3 yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến hiệu quả của việc quảng cáo là tác động hình ảnh, vị trí và tần suất.
Hình ảnh phải sinh động, lôi cuốn, thu hút sự chú ý của khán thính giả.

Vị trí:“mảnh đất” trên tạp chí để có được lượng người đọc nhiều nhất là trang bìa 2, bìa 3, bìa 4, ngang phần mục lục, đối diện chuyên mục nhiều người đọc. Trên báo chí thì ở phần đầu trang 3, hoặc phần đầu trang cuối, phần ít có quảng cáo của đối thủ cạnh hoặc đối thủ cạnh tranh không nghĩ đến.

Quảng cáo trên truyền hình thường khiến nhiều người xem khó chịu, cho nên phải chọn vào thời điểm đầu tiên của chương trình quảng cáo. Rõ ràng là chương trình tin tức và thể thao là lựa chọn của các nhà quảng cáo. 
Quảng cáo trên đài phát thanh là phương tiện quảng cáo hiệu quả và chi phí thấp, thời gian nhiều người nghe đài nhất là trong lúc lái xe.

Tần suất: cố gắng tối đa số lần xuất hiện của mẫu quảng cáo. Xuất hiện liên tục dù trên ít mặt báo luôn có hiệu quả hơn xuất hiện trên nhiều mặt báo nhưng thưa thớt.

11. Lá thư quảng cáo

Để thu hút sự chú ý của độc giả, một bức thư là cần thiết. Phần mở đầu của lá thư quảng cáo như một tiêu đề trên báo. Tránh những câu “…thân mến”. Nội dung thư đủ để có thể nói hết ý cần nói nhưng giữ cho bức thư quảng cáo càng ngắn càng tốt. Vì chẳng có ai nhớ hết nội dung một lá thư. Hình thức của bức thư cần trang trọng, càng khiến khách hàng cảm thấy đặc biệt bao nhiêu họ càng quan tâm đến thông điệp của bức thư bấy nhiêu.

12. Ba bài học quan trọng nhất về dịch vụ khách hàng

Bài học thứ nhất: Khách hàng sẽ tiếp tục mua hàng theo cách mà họ đã quen
Ngành công nghiệp thức ăn nhanh là ví dụ tiêu biểu cho điều này, khách hàng quay lại bởi vì họ đã có thói quen ăn uống từ những lần trước. Quy tắc này cũng áp dụng được cho các ngành hàng và các sản phẩm khác.

Bài học thứ hai: Thời điểm quyết định cho việc thiết lập mối quan hệ với khách hàng mới chính là tuần lễ đầu tiên họ mua hàng.
Nhiệm vụ của bạn là xóa cảm giác lo âu và tạo cảm giác thoải mái cho khách hàng khi họ mua một món hàng. Bạn hãy làm điều này ngay lập tức. Việc gửi một email hay một thư cảm ơn khách hàng sẽ xóa đi cảm giác lưỡng lự để mua tiếp lần hai của họ.

Bài học thứ ba: Hãy quên đi những thuật ngữ phức tạp về phân loại khách hàng.

Theo tôi, có năm nhóm khách hàng:

Nhóm 1: Khách hàng trung thành
Họ yêu thích sản phẩm của bạn, họ xứng đáng hưởng các hình thức ưu đãi. Nhóm khách hàng này thường tạo 90% lợi nhuận của bạn.

Nhóm 2: Khách hàng lưỡng lự
Thỉnh thoảng họ mới mua sản phẩm của bạn, bạn phải tạo sự khác biệt về chất lượng và giá cả để họ thấy rõ.

Nhóm 3: Khách hàng chi li
Họ chỉ mua sản phẩm một lần trong đợt giảm giá đặc biệt.

Nhóm 4: Khách hàng cực đoan
Họ từng gặp phải điều gì đó không hay khi mua sản phẩm của bạn. Bạn hãy gửi thư xin lỗi đối tượng này khi nhận được lời than phiền.

Nhóm 5: Khách hàng không biết gì
Hãy xem họ như đối tượng tiềm năng khác, họ không phải là khách hàng thực sự.
Đừng vô tình lạnh lùng với khách hàng. Điều quan trọng nhất là bạn phải chăm sóc họ thường xuyên.

13. Nghệ thuật xây dựng các chương trình dành cho khách hàng trung thành một cách hiệu quả

Pan American đã yêu cầu khách hàng đóng lệ phí tham gia chương trình dành cho khách hàng thường xuyên của họ. Giá trị nhận được mà chương trình đem lại nhiều hơn chi phí khách hàng bỏ ra. Khách hàng tỏ ra nhiệt tình và chương trình đã thành công.
Barneys New York cung cấp thẻ mua hàng miễn phí cho khách hàng với giá trị tùy thuộc vào tổng số tiền họ mua hàng trong năm.

Neiman Marcus tổ chức chương trình thưởng điểm cho một lần mua hàng, với số điểm có được có thể đổi được món hàng tương ứng.
Các công ty khác sử dụng cách tính đơn giản là bạn giao dịch càng nhiều thì chi phí càng rẻ.
Trong chương trình marketing, bạn chỉ cần trình bày một vài lý do thật hấp dẫn và cụ thể, đừng liệt kê những lý do dài dòng, đồng thời phải đảm bảo tính thực tế và hợp lý khi thực hiện.

14. Tất cả chúng ta đều đang già đi... 

Vấn đề quan trọng là dân số thế giới đang già đi sẽ ảnh hưởng đến chiến lược marketing. Đó là, khi càng lớn tuổi, nhu cầu tiêu dùng của khách hàng có xu hướng càng giảm. Do vậy, chiến lược marketing trong tương lai cần chú ý: 

Trẻ em ngày càng già trước tuổi, hòa nhập vào thế giới người lớn sớm hơn. Sự an toàn, an ninh, tin cậy, dễ sử dụng là đặc điểm cơ bản của sản phẩm để khách hàng chọn mua hay không. Truyền hình vẫn là hình thức nghỉ ngơi, giải trí thích hợp nhất, đồng thời khán giả sẽ bỏ qua chương trình quảng cáo trên truyền hình, nên hình thức gửi thư trực tiếp có thể được sử dụng lại.

Đặc điểm giới tính cũng có tính chất quan trọng, nam giới thường bồng bột trong lúc phụ nữ đòi hỏi nhiều thông tin hơn và họ thương cân nhắc khi mua thực phẩm, hàng hóa. Nam giới thường trung thành với các thương hiệu mà họ đã chọn trong lúc phụ nữ chỉ cần chất lượng và dịch vụ khách hàng hoàn hảo. Sự khác biệt giữa hai giới tác động đến thái độ của họ và mang tính quyết định đối với mỗi sản phẩm hay dịch vụ.

15. Những ý tưởng đột phá lớn đến từ đâu?

Các ý tưởng lớn thường đến từ những người không bị ràng buộc bởi các trách nhiệm công việc hàng ngày và có thời gian để suy nghĩ. Sẽ rất hiệu quả nếu tiến hành các quy tắc sau: Giới hạn nhóm thảo luận chỉ gồm năm hoặc sáu người. Chỉ đưa ra một vấn đề thảo luận cụ thể. Giới hạn thời gian thảo luận. Tách nhóm thảo luận khỏi môi trường công việc hằng ngày.

Lúc đầu, Disneyland chỉ có duy nhất ở California. Walt Disney quyết định mở thêm một công viên Disney nữa tại Orlando nhưng không đủ vốn. Walt Disney lại cực lực phản đối chuyện vay ngân hàng, ngại ngập sâu vào nợ nần. Ông cho gọi sáu vị giám đốc thuộc quyền, nhiệm vụ của họ là tìm cách kiếm tiền để thực hiện dự án này. Ông tách họ ra khỏi công việc hằng ngày, ông chỉ cho họ hai tuần lễ và nhấn mạnh không muốn họ làm mình thất vọng. Hai tuần sau, họ lại gặp nhau tại văn phòng của Walt và đưa ra kế hoạch: mở công viên Disneyland hoạt động thêm vào buổi tối đến tận nửa đêm thay vì đóng cửa vào 6 giờ chiều mỗi ngày.

Buổi tối là thời điểm lý tưởng để công viên hoạt động. Số tiền thu được giúp Walt xây dựng công viên Disneyworld qui mô lớn, hoành tráng hơn.

Ý tưởng lớn đem lại kết quả vượt trội được tưởng thưởng xứng đáng: mỗi người nhận được một chiếc Corvette mui trần màu đỏ mới tinh và một phong bì đựng chìa khóa xe kèm theo tấm thiệp cám ơn do chính tay Walt viết.

16. Mạng internet: Sự cường điệu và niềm hy vọng

Trang web của công ty bạn là một trong những yếu tố cốt lõi. Nếu bạn làm hài lòng đối tượng khách hàng đặc biệt này thì những lời truyền miệng tốt đẹp sẽ giúp công ty có thêm uy tín và doanh thu.

Để thu hút sự chú ý của khách hàng, trên tài liệu quảng cáo biển hiệu công ty, danh thiếp, địa chỉ trang web nên được đặt một nơi đặc biệt dễ nhìn thấy.

Khi khách hàng truy cập trang web, họ sẽ bị thu hút bởi những hình ảnh động mang yếu tố con người chứ không phải chỉ vài mẫu quảng cáo. Họ đang tìm kiếm một hình thức kết nối với những nhân vật có thể giúp họ quyết định nên mua sản phẩm hay dịch vụ hay không. Vì vậy nên có hình ảnh và lời chào mừng ngắn gọn từ giám đốc điều hành, nhà sáng lập hoặc gương mặt đại diện cho công ty.

Qua internet, các dịch vụ sẽ được giải quyết một cách nhanh chóng, tạo ra vô số cơ hội sáng tạo cho những ai làm công tác marketing chuyên nghiệp.

17. Sức mạnh của PR và hoạt động tài trợ

PR và quảng cáo là hai hoạt động bổ sung và hỗ trợ cho nhau. PR không phải như là phản ứng đối với những tình huống đặc biệt mà PR luôn được phát huy như một sức mạnh tối ưu và thể hiện sự chủ động của mình. PR được thực hiện dưới ba hình thức cơ bản: quan hệ nội bộ, quan hệ với bên ngoài và với nhà đầu tư.

Nhân viên phụ trách PR phải được trang bị kiến thức sâu rộng và hiểu biết mọi chuyện về công ty, được nhân viên xem là người quan trọng của công ty.

Đối tượng quan trọng thứ hai là nhà báo, hãy đối xử với họ bằng sự tôn trọng và giữ thái độ đúng mực.

Đới với các nhà đầu tư, luôn ghi nhận những đóng góp của họ; làm cho cổ đông luôn cảm thấy họ đặc biệt vì họ có chung sự quan tâm đến sự phát triển của công ty.

Việc đánh giá cụ thể hiệu quả của công tác tài trợ là điều hầu như không khả thi. Nhưng nếu muốn xem xét khía cạnh khác như tác động tích cực với nhân viên và gia đình họ, cải thiện hình ảnh công ty đối với khách hàng, với xã hội thì bạn sẽ thấy việc tài trợ quả thật là việc đáng làm.

Rõ ràng, việc tài trợ để xây dựng sân bóng rổ ở Seatle đã giúp KeyBank nhảy vọt từ 8% lên 50% thị phần tại thị trường Seatle.

18. Liên kết chính trị và quảng bá

Chiến dịch tranh cử của các đảng phái chính trị cũng sử dụng các yếu tố tương tự như chiến dịch marketing.
Cử tri họ không quan tâm lắm về các ứng cử viên, nhưng họ vẫn cảm kích về quyền dân chủ. Trong kinh doanh, khách hàng chưa phải là khách hàng trung thành của công ty không có nghĩa là họ thờ ơ với dịch vụ hay sản phẩm của bạn. Như các chiến dịch tranh cử, trong kinh doanh, những bức thư, mẫu quảng cáo, brochure phải có một thời hạn cụ thể để khách hàng có thể nhận biết và phản hồi. 

Để thông điệp của bạn chuyển tải rõ ràng về sản phẩm vượt trội của mình, bạn phải duy trì sự tiếp xúc khách hàng của mình và loại bỏ cho được mọi lo lắng của khách hàng khi họ mua hàng của bạn.

Truyền hình cũng đóng một vai trò quan trọng. Cách thể hiện của ứng cử viên trên màn hình cũng là một trong những yếu tố quyết định. Nếu người đại diện của công ty bạn lên truyền hình, bạn phải dành hết mọi khả năng giúp họ chăm sóc vẻ bề ngoài, khuyến khích họ thỉnh thoảng làm việc với hướng dẫn viên chuyên nghiệp để họ tự nhiên hơn trong việc thể hiện hình ảnh của công ty.

19. Tâm điểm của sự chú ý

Khó có thể trở thành một chuyên gia marketing hiệu quả nếu thiếu khả năng trình bày ý tưởng của mình để thuyết phục một nhóm khán giả. Để luyện kỹ năng thuyết trình, trước hết bạn phải nắm vững tài liệu bạn sẽ trình bày. Nội dung trình bày có thể được ghi tóm tắt trên những tấm thẻ nhỏ cỡ 7,5x10cm.

Bạn có thể đứng ở bục giảng hoặc bước quanh sân khấu với những tấm thẻ trên tay. Quá trình rèn luyện bạn có thể tập thảo luận nhóm nhỏ quanh một chiếc bàn tròn; khi đã quen, bạn có thể đứng dậy ở một góc bàn; khi đã có sự tự tin bạn có thể phát biểu trên sân khấu.

Để một buổi thuyết trình gây ấn tượng, bạn hãy nói chậm lại và tăng cơ hội kết nối với khán giả, tạo sự hào hứng và sinh động nhằm thu hút và duy trì sự chú ý của họ.

Việc trả lời các buổi phỏng vấn cũng tương tự như việc thuyết trình. Nhưng buổi phỏng vấn thì khiến bạn bất ngờ, phải lắng nghe câu hỏi và suy nghĩ cách trả lời. Bạn nên trả lời một cách ngắn gọn, đi thẳng vào vấn đề, hãy xem như mình đang ngồi trên ghế nhân chứng tại các phiên tòa. Điều quan trọng là hãy tập trung vào người đang phỏng vấn bạn mà quên đi những chiếc camera hay hệ thống đèn chiếu sáng vào mình.

20. Khổng Tử và sự thông thái

“Người bận rộn thường không có tài. Người có tài hiếm khi bận rộn”. Người ta tin rằng đây là câu nói của Khổng Tử. Quả thật, nếu không đầu tư thời gian để suy ngẫm, để hồi tưởng và ước mơ, bạn sẽ khó có thể tỏa sáng trong lĩnh vực marketing. Một chuyên gia marketing phải tìm một người trợ lý có năng lực để làm công việc quản lý, để mình có thể tư duy sáng tạo theo hướng cần thiết để đưa công ty vượt xa đối thủ cạnh tranh. 

21. Tận dụng tối đa năng lực các công ty quảng cáo

Để duy trì và phát triển mối quan hệ với các công ty quảng cáo, điều đầu tiên và quan trọng nhất chính là tạo mối dây liên hệ và lòng tin. Làm thế nào để biết có một mối quan hệ giữa hai bên? Đó là bạn thích trao đổi với họ về ý tưởng, mối quan tâm, những hy vọng và ước mơ của mình; bạn thích giao tiếp, chuyện trò với họ. Bạn đừng quá chi li tính toán với họ mới mong được họ dành hết mọi nỗ lực tư duy sáng tạo dành cho công ty bạn, vì ý tưởng giá trị chỉ đến khi đầu óc họ không bị ràng buộc bởi những thứ lặt vặt. Hãy làm cho họ cảm thấy được trân trọng, họ sẽ nỗ lực hơn để làm bạn hài lòng và tạo ra điều gì đó thực sự đặc biệt cho bạn.

22. Mười bí mật marketing bạn nên đánh cắp ngay:

Mười bí quyết sau đây có tầm quan trọng ngang nhau:
- Ba yếu tố chính yếu của một chiến dịch marketing: tạo sự phấn khích trực quan, tạo ra sự kiện mới lạ và có động lực kích thích khách hàng hành động.
- Sức mạnh của thương hiệu nằm ở chỗ tạo mối liên hệ trực quan thật ấn tượng.
- Đừng nghe lời giám đốc mỹ thuật của công ty quảng cáo, vì họ chỉ chú ý cách trình bày và thiết kế mà quên nội dung có dễ đọc hay không.
- Cạnh tranh với tạp chí People, bắt chước nó để tạo ra những tài liệu marketing ấn tượng.
- Sức mạnh của hình ảnh đại diện.
- Chỉ có một ít khách hàng là thực sự quan trọng đóng góp 90% doanh thu.
- Bài học về dịch vụ khách hàng quan trọng nhất.
- Chuyên viên marketing xuất sắc phải là những nhà thuyết trình giỏi.
- Giá trị cảm nhận từ chương trình dành cho khách hàng trung thành phải nhiều hơn so với chi phí khách hàng bỏ ra.
- Sáu lý do để bạn nên quảng cáo: thúc đẩy đội ngũ nhân viên, nhắc nhở khách hàng hiện tại, tạo thế hệ lãnh đạo mới, thu hút nhân tài của đối thủ cạnh tranh, xây dựng thương hiệu.

23. Hãy làm tất cả những gì mà bạn có thể

Sản phẩm, giá cả, đặc tính hay xu hướng, công nghệ đều sẽ thay đổi. Nhưng bản chất con người sẽ không thay đổi. Do đó, quyển sách này là cẩm nang tham khảo và hướng dẫn không bao giờ lạc hậu.
Đối với một nhà marketing chuyên nghiệp, không có gì quan trọng hơn việc đưa đúng sản phẩm đến với đúng đối tượng khách hàng và chi phí cũng như thời gian giảm thiểu tối đa.

Người tóm tắt: TRẦN PHÚ AN (nhuongquyenvietnam.com)