Liên tục cập nhật tin tức, tự mình suy ngẫm, định hình vấn đề và hãy mở lòng
Khi nghĩ về những thay đổi đột phá cho xã hội, chúng ta thường nghĩ đến kết quả của chúng – các công nghệ hỗ trợ người mù, giải quyết vấn đề việc làm cho người thất nghiệp, nhà cửa cho người vô gia cư. Nhưng để có được những thành quả đó, nhiều người làm việc chăm chỉ để tạo ra những ý tưởng mới và những giải pháp mới, hiệu quả hơn cho các vấn đề hiện tại. Vậy họ làm gì mỗi ngày?
Trong hơn 4 năm qua, tôi và các đồng sự tại Design for America đã làm việc với hơn 2000 người cải tiến xã hội (social innovators) ở mọi lứa tuổi và ngành nghề. Chúng tôi nhận thấy rằng dù làm nghề gì đi chăng nữa, những nhà phát minh xã hội đều có những thói quen chung. Họ đều…
1, Liên tục cập nhật tin tức
Những người cải tiến xã hội đọc tin tức – ở cả mức độ địa phương, quốc gia và quốc tế. Họ giữ mình luôn cập nhật thông tin mới nhất. Một số ngồi nhâm nhi tách cà phê sáng và đọc New York Times từng trang một. Nhưng phần lớn không có thời gian làm vậy và họ đọc lướt qua tiêu đề báo, sử dụng Twitter và check RSS feed mỗi sáng.
Lấy Jeff Bigham, người thiết kế VizWiz - thiết bị giúp người mù có thể chụp ảnh bất cứ thứ gì và lập tức nói cho họ biết đồ vật gì đang ở phía trước, làm ví dụ. Jeff check Twitter mỗi giờ. Vì sao? Ông “follow” 731 người - một số là những người mù dùng Twitter để chia sẻ kinh nghiệm sống hàng ngày của mình, số khác là những chuyên gia máy tính hay những nhà báo viết về những công nghệ mới nhất. Sử dụng Twitter cho phét Jeff nhanh chóng xác định vấn đề và hình dung ra các giải pháp xử lý. Để các giải pháp này hoạt động hiệu quả, Jeff cần phải biết những gì đang diễn ra ở thế giới xung quanh.
Cách sống này của Jeff hoàn toàn phù hợp với nghiên cứu của Bob Sutton – nhà nghiên cứu về quản trị tại đại học Stanford. Những người tiếp nhận thông tin về thế giới bên ngoài liên tục có nhiều khả năng phát minh hơn vì họ có khả năng áp dụng thông tin từ mảng này sang mảng khác trong cuộc sống. Jeff sử dụng công nghệ điện toán xã hội (social computing technology) để trợ giúp người mù, và để làm được việc đó, anh ấy phải hiểu về cả hai lĩnh vực.
2, Tự mình suy ngẫm
Những người cải tiến xã hội suy ngẫm về cuộc sống hàng ngày thông qua ý nghĩa các thông tin họ nhận được đối với họ và với thế giới. Họ chú ý tới những khoảnh khắc làm họ “rợn tóc gáy” và nghĩ về cách các khoảnh khắc đó ảnh hưởng đến nhiệm vụ hay mô hình kinh doanh của họ. Ví dụ khi Jeff Chapin, một kỹ sư thiết kế, sống ở Bay Area, anh sử dụng chiếc Segway (loại xe tự cân bằng, có 2 bánh đặt song song và chạy bằng điện) để đi làm. Một ngày, chiếc xe hết pin ngay phía trước một người đàn ông vô gia cư. Ông này đưa ra nhận xét với Jeff: “Thật tệ khi những thứ cơ bản nhất chẳng thèm hoạt động.” Câu nói này khiến Jeff tự hỏi: điều gì là các “thứ cơ bản” lúc nào cũng có sẵn với anh? Xe cộ đi lại, nhà cửa? Không phải. Với Jeff, đó là các vấn đề về vệ sinh. Điều này thôi thúc anh tới Campuchia, thiết kế các nhà vệ sinh cho người nghèo ở vùng nông thôn. Dự án Easy Latrine của anh đã bán được hơn 70,000 nhà vệ sinh và khởi đầu cho hơn 50 doanh nghiệp kinh doanh mới ở vùng nông thôn Campuchia.
Hành động của Jeff sau khi gặp người đàn ông vô gia cư ở San Francisco phù hợp với việc những người cải tiến xã hội làm khi họ gặp vấn đề không lường trước – họ suy ngẫm về vấn đề đó. Trong hơn 20 năm nguyên cứu của mình, giảng viên Harvard Amy Edmondson nhận thấy rằng những người cải tiến xã hội không quay đi khi mọi việc đi chệch kế hoạch, mà họ tự hỏi rằng họ có thể làm gì khác đi nếu lần sau gặp tình huống tương tự.
3, Định hình lại vấn đề
Những người cải tiến xã hội thường định hình lại các vấn đề lớn trong xã hội thành một chuỗi các vấn đề nhỏ hơn và có thể xử lý được. Ví dụ, Rebecca Onie chỉ là một sinh viên năm thứ hai khi cô nhận ra mối quan hệ giữa nghèo đói và sức khỏe kém: những bệnh nhân nghèo thường thiếu các nguồn hỗ trợ cơ bản như thức ăn hay nơi ở, và việc thiếu các sự hỗ trợ đó thường dẫn đến sức khỏe kém. Với một vấn đề lớn như vậy, đáng lẽ Onie phải thấy “ngợp”. Nhưng không, cô tự hỏi mình có thể làm được gì, dù chỉ rất nhỏ bé thôi, để thay đổi. Rebecca tìm tới Tiến sỹ Barry Zuckerman, Trưởng khoa Nhi tại Trung tâm Y tế Boston, và thuyết trình với sinh viên của vị Tiến sỹ kia về cách sinh viên có thể giúp thay đổi tình hình. Onie hỏi: “Sẽ thế nào nếu các bác sỹ có thể “kê đơn” thức ăn, nhà cửa và lò sưởi vào mùa đông, và các sinh viên có thể giúp những người bệnh có được những thức đó?” Cô thành lập Health Leads, một nhóm các sinh viên tình nguyện có nhiệm vụ giúp người nghèo có được những “đơn thuốc” cho mình. Nhóm đầu tiên được thành lập ở Boston, nơi Rebecca sống. Hiện tại, họ đã có mặt ở 6 thành phố khác nhau, bao gồm cả New York.
Việc định hình lại các vấn đề lớn của Rebecca phù hợp với lý thuyết về những chiến thắng nhỏ (small wins) của nhà xã hội học Karl Weick tại đại học Michigan. Ông cho rằng mọi người sẽ bị “choáng” khi nhìn thấy độ lớn của các vấn đề xã hội, từ đó sẽ không thực hiện điều gì để thay đổi. Việc định hình lại các vấn đề lớn thành các “mảnh” nhỏ hơn khiến công việc trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Phương pháp này giúp người dùng thấy được hiệu quả chính xác việc mình làm và có thể dễ dàng theo dõi diễn biến công việc. Việc theo dõi tiến độ này khuyến khích người ta tiếp tục làm, thu hút những người ủng hộ và thậm chí hạn chế những người phản đối.
Bằng việc nhìn vấn đề theo một cách khác, những người cải tiến xã hội có thể làm tốt hơn việc mình muốn làm.
4, Hãy mở lòng
Những người cải tiến xã hội thường cởi mở và nhờ đến bạn bè để thử test các ý tưởng của họ. Họ không giấu các ý tưởng cho đến khi thực hiện nó một cách hoàn hảo, họ nhận phản hồi, sửa đổi và tiếp tục dự án. Nhiều người cải tiến xã hội mở shop tại cộng đồng họ đang làm việc để họ có thể “nhúng” mình vào vấn đề xã hội đang mắc phải và có thể thường xuyên kiểm tra xem giải pháp họ đưa ra có dùng được hay không.
Anand Kulkarni là CEO của MobileWorks, công ty đã kết nối những người bán thất nghiệp (những người làm việc không hết năng lực) trên khắp thế giới và tuyển họ làm các công việc ngắn hạn (short-term) cho các công ty trong danh sách Fortune 500. Những nhân viên này được trả lương cao hơn mức ngoài thị trường và nhiều công việc thậm chí có thể hoành thành chỉ qua điện thoại. Anand kết nối người thất nghiệp trên khắp thế giới để “test” ý tưởng biến MobileWorks trở nên tốt hơn. Trong một cuộc gọi điện gần đây, Anand đã hỏi một nhân viên trong mạng lưới của mình rằng anh ấy có muốn công ty giúp tìm bảo hiểm y tế hay không. Nhân viên đó đã trả lời “có”. Giờ đây, với yêu câu của nhân viên nọ, MobileWorks giúp giảm chi phí bảo hiểm y tế cho nhân viên đang làm việc cho công ty.
Phong cách làm việc của Anand phù hợp với nghiên cứu về việc “test” các ý tưởng. Một nghiên cứu kéo dài 18 tháng thực hiện trên các một nhóm kỹ sư thiết kế đã chỉ ra rằng việc “test” các ý tưởng mới giúp ta cảm nhận được công việc đang tiến triển dù cho nhiều khi công việc là một chuỗi vô tận các thất bại.
Vậy, bài học rút ra là nếu chúng ta thực sự muốn thay đổi thế giới đang sống, chúng ra phải thay đổi từ chính những thói quen hàng ngày của mình.
Theo Forbes