Phương cách cạnh tranh mới

Khi các dịch vụ thoại không còn mang lại lợi nhuận lớn và khả năng cạnh tranh cao trong tương lai, xây dựng kho ứng dụng cho điện thoại di động được xem là phương cách cạnh tranh hiện nay của các mạng.
b1007-gt-49
Kho ứng dụng – xu hướng tất yếu 
Ông Nguyễn Việt Dũng, Phó Giám đốc chiến lược Viettel Telecom cho rằng, nhà mạng với tiềm lực tài chính và sở hữu số lượng thuê bao lớn nếu đầu tư phát triển các phần mềm ứng dụng di động thì các phần mềm này sẽ được đảm bảo khả năng thương mại tới người dùng cuối. Quyền lợi cho lập trình viên (nhà cung cấp) do đó cũng được đảm bảo trong thời gian hợp tác. Ông Dũng dẫn chứng, hiện kho ứng dụng Mstore do Viettel xây dựng với nhiều ứng dụng của nước ngoài và do Viettel tự phát triển (iMuzik, MobiTV, DailyInfo…) đang thu hút trên 20.000 lượt tải về/ngày.

Tuy nhiên, cái khó là Việt Nam thiếu phần mềm mới. Theo VINASA, Việt Nam hiện có trên dưới 45.000 lập trình viên và 400 trong tổng số 800 công ty CNTT có hoạt động lập trình thực sự. Tuy vậy, không có nhiều đơn vị đầu tư viết phần mềm cho điện thoại di động hướng đến người dùng. Một trong những lý do vì họ cho rằng phần mềm dễ bị sao chép, gia công phần mềm cho nước ngoài sẽ duy trì kết quả kinh doanh tốt hơn.
Hy sinh lợi nhuận để “cởi trói” chất xám

Ông Ngô Trần Anh, Viện Công nghệ thông tin cho rằng, cần giải quyết thấu đáo nỗi lo bản quyền và quan trọng hơn là cấp cho sản phẩm một chu trình sống sinh lợi thì mới kích thích lập trình viên nhập cuộc. Nhưng thực hiện dự án này đồng nghĩa với sự đầu tư lâu dài và chấp nhận “hy sinh” lợi nhuận trong thời gian đầu.
Năm 2010, Viettel phát động cuộc thi Viết ứng dụng game trên điện thoại di động. Điểm thu hút các lập trình viên là nhà mạng này tuyên bố bắt tay với các lập trình viên đoạt giải cùng khai thác phần mềm ở giai đoạn thương mại hoá. Lần đầu tiên một nhà tổ chức tham gia với tư cách nhà đầu tư và cam kết về bản quyền. Các thí sinh đoạt giải sẽ trở thành đối tác của Viettel. Cụ thể Ban tổ chức cuộc thi dự kiến doanh thu từ sản phẩm sẽ được phân với tỉ lệ 60/40 (thí sinh 60%, Viettel 40%).
Cuộc thi đã nhận được nhiều bài thi có chất lượng cao như MShop, Thành phố diệu kỳ - Avatar, Đấu trường cân não, Mạng xã hội thương mại điện tử (khách hàng có thể vào xem và mua hàng hóa (quần áo giày dép...) ngay trên di động); các ứng dụng Dore đọc truyện tranh, tìm kiếm khách sạn, Money Talk….hay các game Đội quân tí hon, Cờ Tướng Pro và các game nhập vai như Ninja, Nam Quốc Sơn Hà… Sau khi đưa lên trang Mstore.vn/duthi/, các ứng dụng xuất sắc đã nhận được nhiều phản hồi tích cực với nhiều lượt tải về dùng thử và đóng góp ý kiến cũng như bình chọn.
Có thể thấy việc cân đối lợi ích giữa nhà cung cấp phần mềm, nhà khai thác để đưa ra sản phẩm đáp ứng nhu cầu cộng đồng là bước đi quan trọng để thúc đẩy sự phát triển của các ứng dụng di động tại Việt Nam.
PCworld