Số lượng các mạng xã hội và diễn đàn mọc lên như nấm sau mưa. Lượng thành viên tăng trưởng không ngừng theo cấp số nhân. Kế hoạch quảng bá trên các kênh truyền thông cộng đồng đã trở thành một phần không thể thiếu trong các chiến dịch marketing trực tuyến. Trào lưu sử dụng kênh truyền thông xã hội đã lan đến Việt Nam và trong tương lai gần có thể làm thay đổi cục diện phân chia ngân sách marketing.
Ngày càng nhiều người vào mạng để kết nối cộng đồng
Theo phân tích của Hiệp hội các nhà xuất bản trực tuyến (Online Publisher Association - OPA), lượng người dùng dịch vụ và trang truyền thông webmail, tin nhắn nhanh (Instant Message) đang dần ít đi, thay vào đó là sự lên ngôi của các kênh truyền thông xã hội. Nếu năm 2003, cư dân mạng sử dụng 46% thời gian online cho các hoạt động liên lạc truyền thống như gởi email và tin nhắn thì đến năm 2009, số lượng ngày giảm xuống còn 27%. Trong tương lai, cư dân mạng sẽ chỉ sử dụng các hoạt động truyền thống này cho những hoạt động cá nhân, còn việc liên lạc với người thân, bạn bè và cả việc tạo dựng những mối quan hệ mới sẽ được thực hiện thông qua các trang truyền thông xã hội.
Tại Việt Nam, theo nghiên cứu của FTA nếu năm 2007 những mục đích quan trọng nhất của người dùng Internet khi online là: đọc tin tức, kiểm tra email, nghe nhạc, chat và chơi game thì đến nay trong top 5 này có sự góp mặt của hoạt động truy cập mạng xã hội.
Sôi động các kênh truyền thông cộng đồng
Sự bùng nổ các mạng xã hội thuần Việt diễn ra từ năm 2007 với hàng loạt tên tuổi lớn như Cyworld, Clip.vn, Yume, YoBanBe, ... nhưng tất cả không vượt qua nổi Yahoo 360. Từ giữa năm 2008, khi Yahoo rậm rịch ngưng cung cấp dịch vụ blog tại Việt Nam, các mạng xã hội khác đã nhanh chóng tận dung cơ hội ngàn năm có một để vươn lên chiếm lĩnh thị trường. VinaGame phát triển Yobanbe thành mạng Zingme, Facebook cho ra ời phiên bản tiếng Việt, Yume tranh thủ các hoạt động quảng bá sánh bước cùng sao để lôi kéo người dùng Internet ... Với những nỗ lực truyền thông, số lượng thành viên của các mạng xã hội Việt đã tăng trưởng đáng kể. Zingme sau hơn một tháng ra mắt đã có hơn 880,000 thành viên thường xuyên (đăng nhập ít nhất một lần trong 30 ngày), Yume cũng đã đạt con số hai triệu thành viên tính đến nay. Tuy các con số này thật ấn tượng, song các mạng xã hội Việt vẫn chưa trở thành lựa chọn số một cho đa số người dùng. Theo kết quả khảo sát của FTA tháng 8 vừa qua, trong số 10 mạng xã hội được ưa chuộng nhất tại Việt Nam, chỉ xuất hiện một vài mạng xã hội "made in Vietnam" là Yobanbe, Cyworld còn lại là các tên tuổi quốc tế.
Facebook đang tạo ra một trào lưu sử dụng mạng xã hội mới ở Việt Nam, tựa như phong trào "người người viết blog, nhà nhà viết blog" của Yahoo 360 cách đây vài năm. Chưa tạo thành cơn lốc như Facebook, các mạng Twitter, Hi5, Tumblr, ... cũng mang đến những lựa chọn mới làm phong phú thêm các kênh truyền thông xã hội. Bên cạnh đó, các trang web phục vụ nhu cầu chia sẻ và kết nối cộng đồng như linkhay.com, henantrua.vn, ... xuất hiện ngày một nhiều. Sự sôi động của các kênh truyền thông xã hội thời gian gần đây còn được bắt nguồn từ sự ra đời của các mạng xã hội nhắm đến những phân khúc nhỏ của thị trường, như caravat.com hướng đến cộng đồng doanh nhân, cyvee.com dành cho giới văn phòng, Vihuni cho người dùng điện thoại di động, ...
Tin lời bạn bè hơn banner
Động cơ sử dụng các kênh truyền thông xã hội của cư dân mạng đã thay đổi đáng kề từ khi Yahoo 360 bắt đầu nói lời rút lui khỏi thị trường. Xuất phát từ đặc trưng cơ bản của blog, người sử dụng Yahoo 360 thích bày tỏ suy nghĩ, quan điểm và giữ liên lạc với bạn bè thông qua các hoạt động truyền thống như viết nhật ký, Yahoo Mail, Yahoo Messenger. Trong khi đó, sự bùng nổ của trào lưu Facebook vài tháng gần đây lại đánh trúng nhu cầu kết nối bạn bè, cập nhật tin tức và giải trí của người dùng. Nắm bắt được xu hướng này, đa số các trang mạng xã hội đều đầu tư nhiều ứng dụng cho các hoạt động giải trí. Facebook có các trò chơi, trắc nghiệm vui; Zingme có nông trại vui vẻ; Cyworld với phim trường ảo, ...
Nếu trước kia, hoạt động marketing trên kênh truyền thông xã hội chủ yếu là đặt banner, đăng tải video clip, PR bằng blog, thuê hot blogger viết bài, forum seeding, ... thì với các công cụ mới hiện nay các doanh nghiệp cần chú trọng nhiều đến các hoạt động marketing lan truyền trên môi trường Internet.
Điều đáng lưu ý là 50% người dùng các kênh truyền thông xã hội chủ động xem các quảng cáo dưới dạng banner, rich media, widget, ... Chỉ có 17% người dùng Internet tin vào các banner, 16% xem các quảng cáo popup. Do đó, cho dù chi phí để đặt banner trên các trang như Facebook, Yume, Cyworld, ... là khá thấp so với quảng cáo trên tivi hay trang quảng cáo trên báo in, maketer cần nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi duyệt kế hoạch truyền thông. Trong khi các hoạt động truyền thống (đặt popup, đăng bài viết quảng cáo) không được người sử dụng tin cậy thì những đường link về sản phẩm, dịch vụ do bạn bè giới thiệu lại được người dùng Internet đánh giá cao. 81% cư dân mạng sẽ nhấn vào đường link do bạn bè gởi, trong khi chỉ có 49% chủ động đi tìm thông tin về sản phẩm mình cần. Tham khảo thông tin về sản phẩm trên các diễn đàn, lắng nghe bình luận của các chuyên gia, ... cũng là cách thức được nhiều người dùng tin tưởng.
Hành vi của người dùng trên các kênh truyền thông xã hội đang thay đổi mỗi ngày kéo theo sự thay đổi của các chiến dịch marketing trên Internet. Social Media đã trở thành một phần tất yếu trong mỗi chiến dịch marketing trực tuyến cũng như chiến dịch marketing 360o của các doanh nghiệp. Cơ chế lan truyền thông tin với vận tốc ánh sáng trên Internet mang đến những cơ hội quảng bá thương hiệu với chi phí hợp lý nhưng cũng có thể hủy diệt doanh nghiệp chỉ bằng vài đường link. Am hiểu về Social Media để có thể khai thác tối đa những lợi ích của kênh truyền thông mới này, nếu chỉ làm theo phong trào, marketer sẽ phải đối mặt với nguy cơ nhận "trái đắng" từ kênh truyền thông cộng đồng.